(kontumtv.vn) – Làng kháng chiến Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) là một mô hình làng kháng chiến được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên. Người dân nơi đây suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã một lòng một dạ trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ và địa danh Xốp Dùi đã sáng mãi trong lòng người dân Kon Tum. Phát huy truyền thống cách mạng, 41 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, cuộc sống nơi đây đã có sự đổi thay đáng kể.

Cùng với các làng trong tỉnh nổi dậy chống Pháp, trong đó tiêu biểu cho xã Xốp có làng Xốp Dùi. Phong trào đánh Pháp tự phát, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày có cán bộ Việt Minh lên xây dựng cơ sở và làng Xốp Dùi sau này đã trở thành làng kháng chiến vững mạnh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Làng kháng chiến Xốp Dùi ngày ấy có 80 bếp với 200 nhân khẩu người Xê Đăng. Được sự chỉ đạo của huyện và sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, ông A Mét cùng một số người ra vận động nhân dân rào làng bố phòng, đường ra vào bố trí công phu, bí mật. Vũ khí chủ yếu là tên, ná, mang cung, chông, bẫy đá, khi có báo động tất cả nam nữ đều đánh giặt. Ông A Miếc (làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei) kể: “Dân đào hầm, rồi làm chông, vót chông bằng nứa, đào hầm một là chông dài, hai là chông ngắn, sau đó ná nè, giữ khi nào gần bắn, xa cũng bắn được, lừa nó đi bị trúng chông, trúng hầm. Nó rơi hầm bắt đầu lấy ná bắn tiếp. Thứ hai nữa là làm cái cây, lấy hòn đá to,  khi nó đi bắt dân thì kéo cây, đá rơi xuống”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân làng Xốp Dùi đã một lòng, một dạ theo Đảng, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Là những người con của quê hương Tây Nguyên hùng vĩ, họ đã biết lợi dụng địa bàn hiểm trở để sáng tạo ra những cách đánh mưu lược, tài tình trong chiến tranh du kích. Quân địch vô cùng khiếp sợ khi nghĩ đến những hầm chông, mang cung, những cánh thò, bẫy đá, chông bay, chông sập, đặc biệt là tên tẩm độc của du kích xã Xốp.

Ruộng lúa làng Xốp Dùi
Ruộng lúa làng Xốp Dùi

Ghi nhận công lao, thành tích kháng chiến của nhân dân làng Xốp Dùi, ngày 20/8/2015, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định số 487 xếp hạng di tích lịch sử làng kháng chiến Xốp Dùi là di tích cấp tỉnh. Đó cũng chính là niềm tự hào của nhân dân và các thế hệ trẻ nơi đây. Anh A Khen (làng Xốp Dùi, xã Xốp) tự hào:  “ Là thế hệ trẻ được sinh ra tại làng Xốp Dùi, làng được tỉnh công nhận là làng kháng chiến, bản thân rất vinh dự. Hiện nay bước vào thời đại mới, bản thân tiếp tục tuyên truyền cho các thế hệ sau nữa về tinh thần đấu tranh bất khuất của thế hệ trước”.

41 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân làng Xốp Dùi đã đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Thôn Xốp Dùi hiện có 82 hộ. Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước như chương trình 135, 167, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất… đã giúp cho đời sống nhân dân làng Xốp Dùi đổi thay từng ngày. Đến nay, thôn có hơn 30 ha lúa nước, 30 ha cà phê, 40 ha bời lời… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, hộ nghèo của thôn đã giảm xuống còn 36 hộ. Ông A Đốc , Phó Chủ tịch UBND xã Xốp nói: “Đối với làng kháng chiến Xốp Dùi, xã đã triển khai thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới cho thôn Xốp Dùi làm điện, đường, trường, trạm, đường nội thôn, rồi tập trung chỉ đạo làm nông thôn mới, phát triển kinh tế theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sác của Nhà nước. Hiện nay làng tiến bộ rất nhiều về văn hóa, xã hội, kinh tế  phát triển đáng kể so với trước”.

41 năm sau ngày đất nước thống nhất, làng kháng chiến Xốp Dùi hôm nay đã thay da đổi thịt và phát triển rất nhiều. Phát huy những kết quả đạt được, nhân dân làng Xốp Dùi quyết tâm đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng phấn đấu lao động sản xuất nâng cao đời sống, xây dựng xã ngày một phát triển.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *