(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển sau 26 năm ngày thành lập lại tỉnh.

Nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, có thời điểm thôn Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) có hơn 70% số hộ thuộc diện nghèo. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, đến nay Vi Ô Lắc có nhiều khởi sắc, 76 gia đình trong thôn đều có nhà ở kiên cố, trồng được cà phê, cây keo, lúa nước và chăn nuôi trâu bò. Riêng nhà Thôn trưởng A Khang mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ trồng trọt và chăn nuôi. Ông A Khang nói: “Thôn chúng tôi trước đây rất khó khăn, nhất là khâu đi lại của bà con, không có đường xuống đường chính, quốc lộ. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, trong thời gian gần đây có đường nông thôn mới tạo thuận tiện cho bà con đi lại và trong sản xuất.  các năm trước hộ nghèo còn rất là nhiều, hộ nghèo năm 2016 giảm còn 9 hộ”.

Xã Bờ Ê, Kon Plông
Xã Bờ Ê, Kon Plông

Đến nay, 100% các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã có điện lưới quốc gia, có đường giao thông thuận lợi, có trạm y tế xã và các công trình phúc lợi thiết yếu. Về sản xuất, những chính sách như đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Sự đổi thay tại xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông là minh chứng. Cách đây hơn 10 năm, phần lớn người dân trong xã phải sống trong những căn nhà tạm và tình trạng thiếu đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Đến nay, 100% hộ dân đã xóa được nhà tạm, tỉ lệ hộ nghèo từ trên 300 hộ theo chuẩn cũ năm 2005 giảm còn 80 hộ theo chuẩn mới vào cuối năm 2016. Ông A Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: “Hiện nay thôn nào cũng có đường bê tông, điện đường trường trạm ở các thôn đều có. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây bà con nhận thức rõ về đường lối, chính sách của Đảng, không còn trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, có sự phấn đấu, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của địa phương, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2006 – 2010 tỉnh Kon Tum  có hơn 22% hộ thoát nghèo. Giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ gần 28% giảm còn hơn 10%. Khi chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg có hiệu lực,  tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum từ trên 26% năm 2015 giảm còn 23% vào cuối năm 2016. Theo đó, gần 20.000 lượt hộ đồng bào DTTS được thoát nghèo qua các năm. Tín hiệu vui là cơ hội thoát nghèo đối với số hộ nghèo còn lại là khá rõ nét. Ông U Minh Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: “Về cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thì hiện nay các chính sách được đầu tư hỗ trợ cơ bản toàn diện trên các lĩnh vực. Hộ nghèo được vay vốn, được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, chính sách hỗ trợ nhà ở, định canh định cư, đất ở, nhà ở. Với các chính sách như vậy là cơ hội tốt để bà con vươn lên thoát nghèo”.

Không chỉ đổi thay về kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã có nhiều khởi sắc. Đã có trên 20 lễ hội truyền thống, nghề truyền thống được phục dựng, khôi phục, trên 1.800 bộ cồng chiêng được bà con lưu giữ, trên 500 nhà rông truyền thống được xây dựng và 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh có đội cồng chiêng xoang.

Sự đổi thay của các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum qua 26 năm thành lập lại tỉnh cho thấy, chủ trương quan tâm chăm lo đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, của tỉnh Kon Tum đã thật sự phát huy hiệu quả, đem lại niềm vui, sự no ấm cho mỗi thôn làng.

                                                Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *