(kontumtv.vn) – Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà – cái nôi cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước – đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự cường, chung tay xây dựng xã ngày càng phát triển.

Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, những người con xã Đăk Ui bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương “xuống nhà, ra ruộng”, người dân các làng căn cứ kháng chiến chuyển ra khu vực mới có vùng đất bằng phẳng hơn để định cư phát triển kinh tế. Từ người dân Xê Đăng sinh sống đã lâu đời cho đến bà con các dân tộc Thái, Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc vào làm kinh tế mới đã cùng nhau hăng say chung tay, góp sức cho một tương lai rộng mở. Già làng A Bok, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh ủy,  Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói: “ Đảng bộ tỉnh lúc đó rất quan tâm, chỉ đạo cho cấp dưới, chỉ đạo cho Huyện ủy các huyện, trong đó có huyện Đăk Hà và có xã Đăk Ui đây. Việc chỉ đạo rất là sát sao, rất là cụ thể và hợp lòng dân. Trước ở trên kia, rồi dời dân xuống đây, đó là Nghị quyết của tỉnh. Trước trên rừng trên rú, cách xa trên kia kìa. Về đây thì dân thấy rất là phù hợp. Dân về đây lo khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, làm lúa, trồng mỳ, trồng bắp phát triển kinh tế. Cái này thì dân rất đồng tình, ủng hộ”.

Quê hương cách mạng Đăk Ui ngày ngày phát triển
Quê hương cách mạng Đăk Ui ngày ngày phát triển

Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ xã, sự đồng thuận, quyết tâm cao của người dân, vùng căn cứ từng bị bom cày, đạn xới nhanh chóng trở thành những cánh đồng màu mỡ. Không còn lo miếng ăn qua ngày như trước, người dân xã Đăk Ui mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất bạc màu sang trồng các loại cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao thu nhập.

Tiêu biểu có gia đình Thương binh Lê Ngọc Cử (thôn 8, xã Đăk Ui). Sau khi phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở nhiều chiến trường khác nhau, ngày phục viên ông lựa chọn vùng đất Đăk Ui để lập nghiệp. Bản tính cần cù, chịu khó lao động, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân địa phương, đến nay, gia đình ông đã sở hữu hơn 10 ha cà phê, 05 ha cây ăn quả các loại và hệ thống ao, hồ đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho các loại cây trồng, vừa nuôi thêm cá. Cùng với đó, ông tạo điều kiện việc làm ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn xã. Thương binh Lê Ngọc Cử chia sẻ: “Tôi vô đến đây thì thấy cuộc sống, đi lại của người dân cực khổ, đường sá chả thấy đâu. Đi từ đây ra Đăk Hà thì cũng phải đi bộ, chưa có xe đạp để đi luôn. Cũng thấy khó khăn nhưng vợ chồng tôi quyết tâm là làm. Đến bây giờ thì điện đường, trường trạm khang trang. Đường sá đi lại giờ là sung sướng rồi”.

Nhờ lồng ghép hiệu quả các chương trình, đề án của Nhà nước, phát huy tính cần cù, chịu khó của các thế hệ trong lao động, sản xuất, đời sống của người dân xã Đăk Ui có sự thay đổi rõ nét qua từng giai đoạn. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã trên 2.000 ha. Trong đó, diện tích lúa đạt hơn 540 ha, cho năng suất bình quân gần 50 tạ/ha; diện tích cà phê gần 530 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 1.000 tấn nhân và trên 100 ha cao su, bời lời, cây ăn quả đã cho thu hoạch, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn trong năm 2020. Ông A Bốn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Ui cho biết: “Từ một xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo rất cao nhưng đến nay, hộ nghèo giảm rất mạnh, còn hơn 10% thôi. Rồi thu nhập của người dân, hộ khá, hộ tương đối phát triển rất nhiều. Rồi xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng hiện nay đã được khang trang. Điện, đường, trường trạm và đời sống của người dân hiện nay phát triển rất là mạnh”.

Vinh dự và tự hào được sinh ra trên vùng đất cách mạng anh hùng, thế hệ trẻ xã Đăk Ui hôm nay đang tiếp nối truyền thống cha ông, thi đua học tập, rèn luyện, lao động sản xuất để chung tay xây dựng xã nhà ngày càng phát triển. Anh A Xun, đoàn viên thôn 5, xã Đăk Ui nói: “Chúng tôi rất là tự hào vì được sinh ra trên quê hương anh hùng. Thế hệ trẻ chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động Đoàn và học hỏi các mô hình kinh tế để về có kinh nghiệm giúp cho gia đình và xây dựng xã Đăk Ui ngày thêm giàu đẹp”.

Sự đổi mới phát triển một cách toàn diện từ đời sống kinh tế, xã hội sẽ tiếp thêm động lực để mỗi người con Đăk Ui phát huy truyền thống, nỗ lực cống hiến công sức, trí tuệ để cùng xã viết tiếp những trang đổi mới trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

                      CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *