(kontumtv.vn) – Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch, những năm qua, đội ngũ các nghệ nhân  tỉnh Kon Tum đã có nhiều đóng góp rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân gian, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, quí giá của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ghi nhận, tôn vinh, phát huy vai trò của các nghệ nhân là việc làm có ý nghĩa thiết thực góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau.   

Mặc dù đã qua cái tuổi 82, giọng nói không còn khỏe, nhưng khi nhắc đến sử thi, nghệ nhân A Ar (dân tộc Sê Đăng nhánh Sơ Đrá, làng Kon Gu 1, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) tươi tỉnh, hoạt bát hẳn lên. Ông sẵn sàng hát kể cho chúng tôi nghe bài sử thi mà ông ưa thích. Hiện tại nghệ nhân A Ar còn thuộc gần 100 bài sử thi của dân tộc Sê Đăng. Mong muốn cuối đời của ông là được truyền dạy cho các lớp trẻ trong làng để lưu giữ những bài sử thi, cái gốc văn hóa quí giá của dân tộc mình. Nghệ nhân A Ar chia sẻ: “Tôi thích sử thi từ lúc còn bé. 8-9 tuổi tôi đã đi nghe các cô, các chú trong làng hát kể mỗi đêm. Tôi thích lắm, mê lắm. 18 tuổi tôi đã thuộc được rất nhiều bài và bắt đầu hát kể cho đám thanh niên, đàn ông cô đơn khi ngủ ở nhà rông. Từ đó dân làng thường bắt tôi hát kể cho nghe. Lúc đó, đêm nào cũng kể hết. Có đêm kể đến 2-3 giờ sáng mới được nghỉ do dân làng, thanh niên họ đều thích nghe những truyền thuyết của tổ tiên ngày xưa”.

Gặp các nghệ nhân dân gian
Gặp các nghệ nhân dân gian

Ngoài Nghệ nhân A Ar, hiện tại tỉnh Kon Tum còn có một số nghệ nhân thuộc nhiều và hay hát kể sử thi như nghệ nhân A Lưu ( xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), nghệ nhân A Bek ( xã Hơ Moong, Huyện Sa Thầy). Họ là những người có đóng góp rất lớn trong Dự án Sưu tầm xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết, trong thời gian qua, ông đã tham gia biên dịch được khoảng 30 cuốn sách sử thi Ba Na và Sê Đăng. Ngoài việc thông thạo các tiếng Kinh, Ba Na, Sê Đăng, điều khiến ông đam mê đến với sử thi chính là vì cái đạo lý, triết lý nhân sinh trong sáng của ông cha được lưu truyền từ đời này đến đời khác.  Ông A Jar nói: “Tôi đánh giá giá trị sử thi rất cao. Những người hát sử thi tôi cũng rất trân trọng. Bởi vì không dễ mà có được những người hát được, còn lưu giữ được những cái hay, cái đẹp của dân tộc mình”.

Bên cạnh các nghệ nhân hát kể, diễn xướng sử thi, hiện tại trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nghệ nhân ở các loại hình văn hóa dân gian, văn hóa vật thể, phi vật thể như nghệ nhân phục dựng nhà rông, nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang, nghệ nhân tạc tượng… Trong đó đã có 10 nghệ nhân xuất sắc được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận Nghệ nhân dân gian thuộc các lĩnh vực diễn tấu, truyền dạy nhạc cụ các dân tộc và diễn xướng sử thi. Đây là lực lượng có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ông Phan Thanh Thương, Phó trưởng phụ trách Phòng Di sản Văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần gìn giữ văn hóa dân tộc của các nghệ nhân. Bên cạnh việc gìn giữ, các nghệ nhân còn trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ trẻ ở buôn làng của mình và nhờ có sự kiên trì của các nghệ nhân, đã bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa. Những đội múa xoang, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các đội dân ca, dân vũ, các lớp tạc tượng dân gian đã được các nghệ nhân truyền đạt rất kỹ lưỡng”.

Để ghi nhận sự đóng góp cũng như nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, trong thời gian qua, ngoài việc tạo điều kiện cho các đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn trong các hoạt động văn hóa, các lễ hội Festival, Liên hoan các nhạc cụ dân tộc, Liên hoan dân ca dân vũ trong và ngoài nước, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cũng như các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai rà soát, tập hợp được 36 hồ sơ của nghệ nhân dân gian để đề nghị các cấp xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2015. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm ghi nhận và tôn vinh sự đóng góp to lớn của các nghệ nhân dân gian của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *