(kontumtv.vn) – Với Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh năm 1972, ta đã khẳng định được sức mạnh trong hiệp đồng tác chiến để tiêu diệt căn cứ quân sự quy mô lớn của địch, tạo đà cho những chiến thắng lớn trên mặt trận Tây Nguyên.

Nhằm bảo vệ cho tỉnh lỵ Kon Tum về phía bắc và khống chế đường Trường Sơn Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Kon Tum, Mỹ ngụy đã xây dựng  Đăk Tô – Tân Cảnh (Căn cứ 42) thành một căn cứ quy mô lớn đầy đủ các lực lượng như không quân, pháo binh, xe tăng. Về bộ binh có Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22, Trung đoàn 42, Trung đoàn thiết giáp số 14 và Tiểu đoàn dù số 9. Trong suốt một thời gian dài, khu căn cứ này là niềm kêu hãnh của địch và chúng gần như bất khả xâm phạm. Từ Căn cứ 42, địch gây không ít tổn thất cho ta.

Sơ đồ Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh
Sơ đồ Căn cứ Đăk Tô – Tân Cảnh

Với quyết tâm tiêu diệt Căn cứ 42, đầu năm 1972 ta mở chiến dịch Xuân Hè với nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng vùng Đăk Tô – Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Đêm 23/4/1972, ta xuất kích tấn công Căn cứ 42 với một lực lượng quân binh chủng hiệp thành gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, pháo binh, xe tăng, bộ đội tên lửa mặt đất, khiến cho kẻ địch hoang mang, trở tay không kịp. 11 giờ trưa ngày 24/4 ta hoàn toàn làm chủ được căn cứ.  Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22, Trung đoàn 42, Trung đoàn thiết giáp số 14 và Tiểu đoàn dù số 9 của ngụy đã bị ta đánh tan hoàn toàn. Đại tá Lê Đức Đạt, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 ngụy bị ta tiêu diệt tại chỗ. Chiến thắng này đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam và Tây nguyên. Đó là mở ra khả năng đánh tiêu diệt địch có quy mô lớn của quân giải phóng. Tạo tiền đề cho giải phóng tỉnh Kon Tum vào mùa xuân năm 1975.

Để có được Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, bên cạnh chiến lược hợp đồng quân binh chủng tài tình của Bộ Tư lệnh Mặt trận B3, phải kể đến sự ủng hộ nhiệt tình, góp công, góp sức của nhân dân địa phương. Bà con chính là hậu phương vững chắc để các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương an tâm đánh thắng. Đã 43 năm trôi qua nhưng kí ức về trận Đăk Tô – Tân Cảnh vẫn còn nguyên vẹn trong ông Trần Mạnh Long, nguyên là chiến sĩ súng phun lửa trong đội hình Trung đoàn 66 tham gia giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh. Ông Trần Mạnh Long nhớ lại: “Lần đầu tiên các đơn vị chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích và quân dân các dân tộc Tây Nguyên đưa xe tăng, pháo hạng nặng và đưa các binh chủng lần đầu tiên xuất hiện ở Kon Tum như  D 72 tên lửa vác vai, súng tên lửa vào tham gia chiến đấu để giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh”.

Sau 43 năm Chiến thắng ĐăkTô – Tân Cảnh, huyện Đăk Tô hôm nay đã hoàn toàn đổi mới. Lớp cựu chiến binh xưa kia giờ đã luống tuổi nhưng với lòng tự hào và tình yêu thương dành cho mảnh đất này, họ lại tiếp tục cùng với nhân dân địa phương làm nên cuộc cách mạng mới. Đó là đoàn kết cùng nhau, phát huy truyền thống, biến vùng đất lắm bom, nhiều đạn, đầy thương tích chiến tranh trở thành một vùng quê trù phú. Đặc biệt, niềm tự hào, tinh thần làm nên chiến thắng Đăk Tô – Tân vẫn được cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện ĐăkTô gìn giữ và phát huy để xây dựng huyện ĐăkTô hôm nay phát triển toàn diện.

                                                                             Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *