(kontumtv.vn) – Có thể nói, xuất khẩu lao động trong thời gian qua đã giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp mất liên lạc với gia đình và chưa trở về địa phương dù đã hết hạn hợp đồng lao động.

Hơn 2 năm nay, anh A Brái (thôn Đăk Giá, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông) luôn ngóng trông thông tin của vợ là Y Ben đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út. Anh A Brái cho biết, ngày 10/10/2017, khi anh đang đi làm rẫy thì ở nhà vợ là Y Ben đã đi xuất khẩu lao động thông qua Công ty Colecto. Cuối năm 2017, chị Y Ben gửi về cho gia đình 25 triệu đồng và từ năm 2018 đến nay, chị không gửi tiền và không liên lạc về gia đình. Bản thân bị liệt một chân, hơn 2 năm nay, anh A Brai phải làm thuê khắp nơi để có tiền nuôi con ăn học và cũng nhiều lần kiến nghị để địa phương hỗ trợ tìm kiếm chị Y Ben nhưng không có kết quả. Anh A Brái chia sẻ:  “Đi xuất khẩu lao động từ năm 2017 rồi thì bây giờ không liên lạc được, nhưng mà nói chung em cũng mong được vợ về nhà để cùng làm ăn để đỡ khó khăn cho gia đình, em  khuyết tật nuôi con cũng vất vả”.

Thăm gia đình có người xuất khẩu lao động
Thăm gia đình có người xuất khẩu lao động

Cùng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út với chị Y Ben thông qua Công ty Colecto, từ năm 2018 đến nay, chị Y Leo (thôn Đăk Giá, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông) cũng không có thông tin gì về cho gia đình; khiến  mẹ và anh em đều lo lắng. Anh A Lum, anh trai chị Y Leo cho biết: “Liên lạc bây giờ cũng không biết làm sao nữa, mấy năm không về. Lúc Y Leo đi gia đình không biết Y Leo đi xuất khẩu lao động. Biết mấy người đi tìm dẫn đi, lúc về nhà bảo đi xuất khẩu lao động. Gia đình mất liên lạc với Y Leo từ năm ngoái, đến giờ không liên lạc được, giờ không biết làm sao, ở bên nước ngoài biết tìm chỗ nào để mà về”.

Còn đối với trường hợp chị Y Hồng (thôn Kon Hia 2, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) bị mất liên lạc về gia đình, khi tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận An DMC. Sau khi báo chí vào cuộc thì đến nay, chị Y Hồng đã liên lạc được về gia đình. Tuy nhiên, theo người nhà cho biết, chị Y Hồng cũng muốn trở về với các con vì chồng đã mất, nhưng phải có tiền để đền hợp đồng. Bà Y Blú, cô ruột chị Y Hồng cho hay: “Muốn về nhưng không có tiền trả lại cho họ, phải chuộc tiền 70 triệu. Muốn cháu về nhưng mình không có tiền mà, nhà mình nghèo vậy biết kiếm tiền đâu ra cho cháu mình về”.

 Qua rà soát và nắm bắt tình hình của huyện Tu Mơ Rông, hiện nay, trên địa bàn còn một số trường hợp người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa trở về địa phương và gia đình cũng mất liên lạc với người lao động. Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đề nghị: UBND huyện đã có đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tìm kiếm thông tin và cách thức liên lạc đối với 3 lao động đã mất liên lạc và huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các xã là tiếp tục rà soát các thông tin của lao động bị mất thông tin. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện để người dân có đầy đủ thông tin”.

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo, với gần 100% là đồng bào DTTS. Đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân xuất khẩu lao động để có điều kiện thoát nghèo. Tuy nhiên, vì sự tắc trách của các công ty tư vấn, tuyển dụng lao động nên nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài mất liên lạc, gây ra nỗi lo lắng tột cùng cho người thân, gia đình.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *