(kontumtv.vn) – Mùa khô năm nay được dự báo không khốc liệt như năm 2016. Dẫu vậy, đến thời điểm này, tình trạng nắng nóng kéo dài và nền nhiệt cao đã làm hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum rơi vào cảnh khô hạn, thiếu nước tưới. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực để chống hạn, tuy nhiên khó khăn gặp phải còn rất nhiều bởi chưa thật sự có những giải pháp căn cơ để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

Thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho thấy, đến hết tháng 4 năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.030 ha cây trồng bị khô hạn; trong đó, hơn 440 ha lúa, 520 ha cây công nghiệp, gần 70 ha rau màu. Diện tích cây trồng thiếu nước chủ yếu tập trung ở các địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Đăk Tô. Hạn hán ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của bà con, bên cạnh yếu tố thời tiết còn có nguyên nhân chủ quan từ con người. Ông Trần Văn Lực, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết: “Nhiều biện pháp phòng chống hạn đã triển khai thực hiện nhưng thiệt hại do hạn hán vẫn xảy ra phần lớn do thói quen, tập tục canh tác, ý thức chủ quan của không ít hộ dân vẫn canh tác tại các khu vực khó khăn về nguồn nước tưới dẫn đến cây trồng bị khô hạn và mất trắng. Một cái khó khăn là thực tế lớp thảm thực vật ở thượng nguồn một số công trình trên lưu vực sống, suối bị khai thác suy kiệt làm giảm khả năng trữ nước, dẫn đến nguy cơ khô hạn, thiếu nước trong mùa khô là rất cao”.

Nắng hạn ở Ia H'Drai
Nắng hạn ở Ia H’Drai

Tại huyện biên giới Ia H’Drai, địa phương đang phải chịu những tác động nặng nề từ hạn hán. Gần 1.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 800 giếng nước cạn đáy và hơn 30 ha cây trồng bị khô hạn. Số liệu này mới chỉ là thống kê ban đầu ở 3 xã trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Mong mỏi về một giải pháp căn cơ có tính lâu dài chưa bao giờ bức thiết hơn lúc này. Ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai nói: “Tôi thiết nghĩ nên tận dụng nguồn nước ngầm, đầu tư những công trình nước ngầm và tìm thêm những công trình có lưu vực nước tự chảy để sớm đầu tư công trình nước tập trung. Còn đối với giếng sinh hoạt của dân hiện nay chúng ta đào thêm rất là khó khăn do địa hình ở đây tầng đá rất nhiều nên để khắc phục lâu dài thì tôi thiết nghĩ cần phải có những công trình lâu dài, bền vững để chúng ta dự báo tình hình cho những năm sau có thể hạn như thế này hoặc hơn nữa”.

Hạn hán đã được dự báo trước nhưng rõ ràng những thiệt hại do hạn hán gây ra vẫn rất nặng nề. Điều này đặt ra một yêu cầu cần phải có những giải pháp căn cơ mang tính bền vững, lâu dài. Chỉ có như vậy mới giúp nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, tạo hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *