(kontumtv.vn) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Qua đó tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất và người dân tránh được tình trạng tư thương ép giá, đảm bảo đầu ra ổn định, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Với mong muốn cung cấp những sản phẩm nấm sạch, có chất lượng đến tay người tiêu dùng, đầu năm 2017, Hợp tác xã Cựu quân nhân xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất nấm sạch với các loại nấm sò, nấm linh chi, nấm mèo… Ông Lê Trọng Khanh, Giám đốc HTX Cựu quân nhân xã Đăk Hring nói: “Từ nhu cầu của thị trường, thứ hai nữa là mình muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương, từ đó tôi mở rộng thêm trang trại và đi tìm thêm đầu ra cho thị trường, nhằm mục đích là sản phẩm của mình hòa nhập tốt thị trường bên ngoài và các tỉnh khác. Hướng tới sẽ đi vào siêu thị, đòi hỏi sản phẩm nấm là phải sạch và người trực tiếp tham gia vào đây cũng phải là người đầy đủ các yếu tố, điều kiện ví dụ như sức khỏe bảo đảm, không bệnh không tật”.

Nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, Hợp tác xã Cựu Quân nhân Đăk Hring đã liên kết với Hợp tác xã Quyết Thắng của huyện Ngọc Hồi trong việc chuyển giao mô hình trồng các loại nấm, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Trên cơ sở đó, các hộ nông dân liên kết trồng nấm với hợp tác xã luôn được đảm bảo về giá cả và có đầu ra ổn định. Sản phẩm nấm của Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring hiện đã góp mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước như Phú Yên, Đà Nẵng, Sài Gòn…

Trang trại trồng nấm sạch
Trang trại trồng nấm sạch

Hoạt động từ tháng 5/2018 đến nay, mô hình tổ liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La, huyện Đăk Hà đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, giúp các hội viên phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tham gia tổ liên kết, việc sản xuất lúa của 12 thành viên có nhiều thuận lợi vì cùng làm chung một loại giống lúa; công tác làm đất, gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch được tiến hành đồng loạt, qua đó giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất so với trước đây. Chị Bùi Thị Tịnh, Tổ trưởng Tổ Liên kết sản xuất, kinh doanh lúa, gạo thơm Đăk La cho biết; “Khi tổ liên kết trồng lúa giống thì chị em được tham gia lớp tập huấn, tham gia lớp hội thảo, hướng dẫn về sạ ruộng đồng loạt, thả phân đồng loạt. Làm trong tổ liên kết thì đầu ra của chị em ổn định, sản xuất lúa thì tăng dần”.

Ngoài ra, tổ liên kết đảm nhận việc kinh doanh các sản phẩm của hội viên nên tránh được tình trạng tư thương ép giá, đảm bảo được chất lượng thương hiệu của lúa thơm Đăk La. Trong vụ mùa năm 2018, năng suất lúa của tổ liên kết được nâng lên rõ rệt, ước đạt 8- 9 tấn/ ha. Từ thành công của mô hình tổ liên kết, xã Đăk La, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm với diện tích 32 ha. Chị Trần Thị Phúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk La nói: “Tổ liên kết thành lập vừa có sản xuất, vừa có kinh doanh, các sản phẩm chị em làm ra thì tổ liên kết đứng ra bán ra thị trường, đem lại hiệu quả, chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng rất hài lòng. Sau khi có tổ liên kết lại với nhau thì sản phẩm đưa ra thị trường ổn định giá hơn, các sản phẩm chị em làm ra bán đều đặn, giá tăng hơn so với trước đây”.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu như chuỗi sản xuất mía nguyên liệu công nghệ cao tại thành phố Kon Tum, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum, tổ hợp tác phụ nữ liên kết sản xuất sâm dây tại huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, chuỗi liên kết sản xuất nấm của tổ hợp tác nấm sạch Tây Nguyên của thành phố Kon Tum, chuỗi liên kết sản xuất trái cây VietGAP của hợp tác xã Thần Nông – thành phố Kon Tum, chuỗi liên kết sản xuất cà phê sạch của HTX kiểu mới sản xuất nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Hải Tình của huyện Đăk Hà, chuỗi liên kết sản xuất dược liệu của Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Rạng Đông – huyện Đăk Tô.

Có thể nói, việc phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là một yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay. Mô hình này giúp giảm chi phí về sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và đảm bảo lợi ích chính đáng cho đông đảo bà con nông dân.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *