(kontumtv.vn) – Thời gian qua, việc phát triển hệ thống trường bán trú trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện đến lớp, vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Năm học này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Choong có 460 học sinh, trong đó có hơn 430 em là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, hơn 200 em học sinh của nhà trường được hỗ trợ tiền ăn với mức 556.000 đồng/ tháng và 15kg gạo mỗi tháng.

Ngoài ra, nhà trường còn có hơn 100 em được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 của Chính phủ, 19 em học sinh khuyết tật được hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 42 giữa Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính. Các chính sách hỗ trợ này đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng học sinh bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy. Các em thêm yêu trường, mến lớp, tích cực học tập để tích lũy kiến thức. Trong những năm học gần đây, tỉ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi của nhà trường luôn đạt 100%, tỉ lệ chuyên cần của học sinh đạt trên 96%. Cô giáo Y Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Được hưởng chế độ 116 thì học sinh được ăn bán trú và được hưởng nhiều nguồn từ 116 này. Nhờ đó công tác duy trì sĩ số được tốt hơn, học sinh được ăn, được ở, được vui chơi. Học sinh yên tâm, ăn uống đảm bảo đủ về chất, nấu ăn theo khẩu phần quy định, thay đổi khẩu phần ăn liên tục. Học sinh yên tâm đi học đều, tiếp nhận kiến thức đồng đều hơn, nâng cao chất lượng”.

Lớp học vùng sâu huyện Đăk Glei
Lớp học vùng sâu huyện Đăk Glei

Từ việc thực hiện có hiệu quả các chính sách cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục tại các trường bán trú trên địa bàn huyện Đăk Glei đã được nâng lên rõ nét. Năm học 2017- 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đăk Choong học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Nhà trường có 97 học sinh đạt học lực giỏi và khá, đạt 39%; học sinh có học lực trung bình, yếu giảm dần qua từng năm học. Em Y Thiểu (lớp 9A2, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Đăk Choong) chia sẻ: “Bản thân em cũng như các bạn học sinh được hưởng chế độ này rất vui mừng. Ở trường chúng em có thể ngủ, ăn đảm bảo và có thể học tập tốt”.

Đến nay, huyện Đăk Glei đã có 7 trường bán trú và 22 trường có học sinh hưởng chế độ bán trú. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường bán trú, ngành GD&ĐT huyện đã tham mưu với lãnh đạo UBND huyện tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất như  bếp ăn, nhà vệ sinh, lớp học, khu bán trú cho học sinh. Ngoài ra, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số bằng các giải pháp như đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng; tăng cường công tác quản lý giáo dục trong trường học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei cho biết: “Ngoài chất lượng thì quan tâm đến việc chăm sóc học sinh bán trú như ăn, ở, sinh hoạt bán trú và các hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh ở lại trường. Chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Thực hiện tốt chế độ ăn của học sinh, chi trả chế độ bán trú đúng, đầy đủ và kịp thời, ngành cũng quan tâm tham mưu bố trí đầy đủ cán bộ quản lý cũng như giáo viên để các trường bán trú thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nhất”.

Có thể nói, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh tại các trường bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng thuận lợi với vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh vùng sâu, vùng xa học tập nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng quê hương.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *