(kontumtv.vn) – Thực hiện yêu cầu đổi mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tích tụ đất đai, thành phố Kon Tum đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa RVT với diện tích 7 ha tại xã Hòa Bình mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Ở những vụ trước, với gần 5 sào ruộng, gia đình ông Lê Văn Phúc (thôn 3, xã Hòa Bình) thường gieo cấy 2 giống lúa khác nhau nên việc chăm sóc vất vả, mất nhiều thời gian, năng suất không đồng đều. Vụ mùa năm nay ông chuyển tất cả diện tích sang gieo trồng giống lúa RVT theo chủ trương cánh đồng mẫu lớn nên việc chăm sóc thuận lợi, năng suất cao hơn hẳn các vụ trước. Ông Phúc nói: “Từ ngày chuyển sang cánh đồng mẫu lớn, bà con có tổ hợp tác để mình làm một loại lúa mới, ít sâu bệnh hơn, đỡ hơn, ít dùng thuốc hóa học. Tới giờ phút này thấy lúa cũng đạt hơn mấy năm trước”.

Cánh đồng mẫu lớn xã Hòa Bình
Cánh đồng mẫu lớn xã Hòa Bình

Cũng như gia đình ông Phúc, khi xã Hòa Bình triển khai thành lập Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh, bà Nguyễn Thị Kim Loan đã đăng ký tham gia. Trong quá trình tham gia thực hiện mô hình, các thành viên nhận thấy đây là giống lúa có khả năng chống, chịu sâu bệnh, năng suất chất lượng cao hơn hẳn các loại giống lúa cũ, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Bà Loan cho biết: “Cánh đồng mẫu lớn tất cả cùng làm một giống, một lượt rất thuận lợi cho bà con, xạ, bơm thuốc cũng thuận lợi hết. Theo tôi, lúa năm nay cũng đẹp, mọi năm người làm trước, người làm sau  rồi giống nọ giống kia nên không được đều, đẹp”.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tích tụ đất đai, xã Hòa Bình thành lập Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh gồm 11 thành viên, sản xuất giống lúa RVT với diện tích 7 ha. Để mô hình được triển khai hiệu quả, ngoài việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, thành phố còn hỗ trợ 70% giống lúa, phân bón tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất. Bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó phòng Kinh tế thàn phố Kon Tum cho biết: “Cánh đồng mẫu lớn có ưu điểm là các hộ tham gia sản xuất trên cánh đồng tổ chức thành lập một tổ hợp tác, họ sẽ xuống giống đồng loạt, sử dụng lượng giống vừa phải không gieo xạ quá dày. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của bộ phận chuyên môn về kỹ thuật sản xuất, các thành viên trong tổ hợp tác cùng nhau học hỏi những kỹ thuật sản xuất để sản xuất an toàn, quy trình sản xuất đáp ứng quy trình an toàn. Khi xử lý sâu bệnh hại đồng loạt như thế thì có tác dụng phòng ngừa sâu bệnh hại lây lan. Vì thế cây lúa sinh trưởng phát triển tốt”.

Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đem lại hiệu quả, ước tính năng suất lúa đạt hơn 70 tấn/ha, giá lúa RVT lại cao hơn hẳn các giống lúa khác. Từ thành công của mô hình sản xuất lúa an toàn RVT theo quy mô cánh đồng mẫu lớn tại xã Hòa Bình, thời gian tới thành phố tiếp tục nhân rộng tại các xã, phường khác trên địa bàn. Bà Đinh Thị Mỹ Linh cho biết: “Để tiếp tục phát triển cánh đồng lớn, UBND thành phố xây dựng kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất đai hình thành cánh đồng lớn. Với vai trò cơ quan tham mưu, chúng tôi lồng ghép các chương trình, dự án để triển khai nhân rộng các mô hình theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn ở tất cả các cánh đồng để giúp người sản xuất liên kết thành các tổ hợp tác cùng nhau sản xuất đồng loạt, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.

Với cách làm mới từ mô hình sản xuất lúa an toàn theo quy mô cánh đồng mẫu lớn tại xã Hòa Bình là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai không chỉ giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *