(kontumtv.vn) – Thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm qua, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân có đất liên kết sản xuất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum mang lại hiệu quả thiết thực.

Trước đây, hơn 10 ha đất của 39 hộ dân ở thôn Đăk No (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) chủ yếu để trồng sắn. Sau một thời gian dài canh tác, đất bạc màu nên năng suất cây sắn không cao. Cuối năm 2017, thực hiện chủ trương của huyện, UBND xã Ngọc Tụ đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ngọc Tụ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Các hộ tham gia mô hình được huyện hỗ trợ 100% cây giống, 30% chi phí phân bón và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hỗ trợ chi phí làm đất, kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 1 năm chăm sóc, cây mía đã cho thu hoạch. Ông Lê Văn Linh (thôn Đăk No, xã Ngọc Tụ) nói: “Có chủ trương Nhà máy Đường và xã về vận động trồng mía thì gia đình tôi cũng muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng mía. Lúc đầu trồng thì thấy cây mía cũng phát triển rất tốt, đến hiện tại đã được thu, tôi thấy năng suất nó cũng đạt, năm sau có thể mở rộng thêm diện tích nữa”.

Trồng mía mang lại thu nhập cao cho nông dân
Trồng mía mang lại thu nhập cao cho nông dân

“Bước đầu bà con cũng rất băn khoăn, vì cây mía ở đây mình chưa bao giờ trồng, cũng chưa biết hiệu quả rồi kinh tế ra sao. Đến bây giờ thu hoạch thì thấy sản lượng cũng đạt, được 8 tấn/sào, tính ra hiệu quả kinh tế thì so với năm đầu tiên tôi ước tính lãi ít thôi, nhưng theo nhà máy tư vấn là năm thứ 2, thứ 3 mình mới có lợi”. Ông Lê Văn Bắc, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Ngọc Tụ cho biết.

Không chỉ hỗ trợ  39 hộ dân ở xã Ngọc Tụ trồng hơn 10 ha mía, huyện Đăk Tô còn hỗ trợ  10 hộ dân ở xã Văn Lem, xã Đăk Trăm liên kết trồng  9 ha. Tổng kinh phí huyện đã hỗ trợ hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình đang tiến hành thu hoạch mía, năng suất đạt gần 80 tấn/ha. Giá bảo hiểm của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum thu mua tại ruộng là 800đ/kg mía đạt 10 trữ đường. Các hộ tham gia mô hình cho biết, so với trồng  sắn thì cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ đầu tiên, trừ chi phí chăm sóc, người dân thu khoảng 30 triệu đồng/ha và mức thu nhập sẽ cao hơn sau 2 vụ mía tiếp theo.

Thành công bước đầu của mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía là điều kiện thuận lợi để các xã của huyện Đăk Tô nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết: “Cái này cũng là một trong những mô hình để xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân. Về phương hướng trong thời gian đến thì tiếp tục rà soát các quỹ đất hiện có để vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, liên kết với Nhà máy Đường Kon Tum để mở rộng diện tích, tăng thu nhập cho nhân dân, xóa cái nghèo”.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía còn góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Qua đó, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *