(kontumtv.vn) – Không còn phải e dè mỗi khi sử dụng điện, tiết kiệm được từ 400.000đ – 500.000đ tiền điện mỗi tháng, đó kết quả mà vợ chồng anh Hồ Trung Hiếu và chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) cho biết khi gia đình anh đã có gần 3 năm sử dụng điện từ nguồn năng lượng mặt trời.

Nhóm phóng viên có mặt tại nhà anh Hồ Trung Hiếu vào khoảng 11h, khi vợ chồng anh đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Đây là thời điểm nhà anh Hiếu sử dụng điện nhiều nhất trong ngày. Căn nhà nhỏ chừng 60m² nhưng tất cả đều tự động theo kiểu smart home. Các thiết bị sinh hoạt như điều hòa, tủ lạnh, máy rửa chén, máy giặt, rô bốt lau nhà, máy lọc khí, bếp điện… đều được bật tối đa nhằm sử dụng hết công suất từ năng lượng điện mặt trời mang lại. Công suất tiêu thụ của tất cả các thiết bị đo được tại đồng hồ vào lúc này là 1.200W – 1.400W, trong khi đó công suất năng lượng mặt trời thu được từ các tấm pin năng lượng lên tới 1.800W, số dư còn lại anh nạp vào bình ắc quy.

Năng lượng điện mặt trời của gia đình anh Hồ Trung Hiếu
Năng lượng điện mặt trời của gia đình anh Hồ Trung Hiếu

Nếu như trước đây, mỗi tháng gia đình anh Hiếu phải trả cho điện lực  400.000đ – 500.000đ tiền điện thì nay con số trong tin nhắn từ Công ty Điện lực báo về cũng ít hẳn, chỉ dừng lại con số vài chục ngàn đồng/tháng, thậm chí có tháng không mất đồng nào. Chị Nguyễn Thị Hạnh nói: Trước đây sử dụng thì phải tiết kiệm vì mức đóng góp về tiền điện hàng tháng rất cao, nhưng từ khi ông xã lắp hệ thống điện mặt trời thì sử dụng một cách thoải mái, không cần phải tiết kiệm. Trong nhà bây giờ sử dụng mọi phương tiện, vật dụng đều bằng điện, từ máy rửa chén, đến máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh … cho nên thấy chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

Anh Hồ Trung Hiếu cho biết thêm: “Tôi thấy cái này rất hiệu quả, nhà tôi máy giặt tối thiểu giặt một cử một ngày, máy rửa chén cùng rửa một ngày 2 cử, nấu ăn là trưa và tối buổi trưa nấu 5 ấm nước, sử dụng cho máy bơm khoảng 2.000 lít nước, rồi máy lạnh chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời có thể xài từ 3 đến 4 giờ tùy theo nhu cầu”.

Là giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường THPT Trường Chinh, TP. Kon Tum, nhưng anh Hiếu lại có đam mê về công nghệ và điện tử. Năm 2016 anh Hiếu bắt đầu tìm hiểu và làm quen với hệ thống điện mặt trời; đến năm 2017, anh đã tự lắp ráp hệ thống điện mặt trời hòa lưới có dự trữ dùng ban đêm. Toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời anh lắp đặt tại nhà tổng trị giá 85 triệu đồng, gồm 9 tấm pin, mỗi tấm 32 W, 1 Inverter 5Kw và 1 bình ắc quy 350 Ah. Mỗi ngày hệ thống tạo ra khoảng 15 kW/h, tương đương với 450 kW/h/ tháng. Anh Hồ Trung Hiếu nói: “Bây giờ tôi có 9 tấm tương đương với 3kW điện. Về mặt lý thuyết thì nó sản sinh ra 15 kW điện/ 1ngày. Tôi thấy sử dụng tầm 5 – 6kg là dùng đã mệt mỏi rồi nhưng gia đình tôi có tới 15 kW, tôi không dùng hết được và cuối cùng tôi đã mua tất cả các thiết bị về để xài cho hết”.

Với nguyên lý hoạt động nhờ sử dụng tấm thu bức xạ mặt trời biến đổi thành điện năng, sau đó cung cấp cho thiết bị Inverter (biến tần). Từ inverter biến thành dòng điện xoay chiều phát lên lưới và cung cấp cho gia đình. Hiện nay, hệ thống điện mặt trời tại nhà anh Hiếu phát ra lớn hơn tải trong nhà nên anh đã đăng kí bán điện với Công ty Điện lực Kon Tum thông qua công tơ thứ 2 do điện lực cung cấp.

Anh Hồ Trung Hiếu cho biết: “Hiện nay tôi đã đăng ký với điện lực nhưng chưa bán điện được, đến nay đã 5 tháng rồi nhưng họ vẫn chưa đến lắp công tơ vì phải test nữa. Hiện nay mọi người nghĩ phải có nắng mới xài được nhưng tôi cam đoan là không cần, chỉ có trời đừng mưa và âm u che hết ánh sáng mặt trời, tức là bức xạ. Những ngày như tháng 6 vừa rồi tôi chỉ có khoảng tám chục ngàn tiền điện, tháng 6, tháng 7 vừa rồi là mùa mưa đỉnh điểm của Kon Tum nhưng nhà tôi cũng chỉ có từng đó tiền vì buổi trưa đã có hửng nắng”.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời. Theo số liệu đánh giá của ngành điện, ở Việt Nam có cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao khoảng 5 kWh/m²/ngày và số giờ nắng đạt từ 1.700 – 2.500 giờ/năm. Tại Kon Tum là 2.200 giờ/năm, ước tính tổng bức xạ trung bình hằng năm là 5,1 – 5,3 kWh/m²/ngày.

Tiết kiệm điện, xây dựng cuộc sống xanh, đó là những gì mà năng lượng điện mặt trời mang lại. Với số liệu cùng những kết quả thực tế từ gia đình anh Hiếu phần nào giúp cho người dân Kon Tum hiểu hơn về những tiện ích mà mô hình điện mặt trời mang lại. Hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng khắp địa bàn trong thời gian sắp tới vì lợi ích kinh tế lâu dài.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *