(kontumtv.vn) – Sau hơn 2 năm thực hiện đề án Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn thành phố Kon Tum, bước đầu được người tiêu dùng biết đến và đây cũng là hướng đi mới cho người sản xuất rau trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Năm 2014, hộ ông Huỳnh Quốc Tuấn (tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) được chọn tham gia dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 3.000 m2. Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình khác, ông Tuấn trồng rau một cách tự phát, dựa trên kinh nghiệm. Từ khi tham gia dự án, tất cả được thực hiện một cách khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, đến xử lý sâu, bệnh. Ông Tuấn chia sẻ: “Đầu tiên làm rau an toàn nói chung rất là khó khăn, đầu tiên làm thì rất là vất vả. Nay làm được 2 năm rồi cũng đã quen. Trong sản xuất nói chung sử dụng phân bón cũng ít hơn, làm rau an toàn rất hiệu quả”.

Ông Tuấn là một trong 4 hộ dân được chọn tham gia dự án sản xuất rau an toàn trên địa bàn phường Thắng Lợi. Tổng diện tích gieo trồng của dự án trong 2 năm khoảng 6 ha, nguồn kinh phí đầu tư cho dự án trên 2,3 tỷ đồng, từ các nguồn như vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, nguồn ngân sách địa phương đối ứng và phần vốn của các hộ dân tham gia.

Rau an toàn
Rau an toàn phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum

Khi tham gia dự án, các hộ dân ngoài việc được hỗ trợ các vật tư đầu vào gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương án đối ứng. Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đã ký hợp đồng với HTX rau sạch Thanh niên Măng Đen cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm và tổ chức tiêu thụ, quảng bá, tạo thương hiệu sản phẩm.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có 2 cửa hàng bày bán sản phẩm rau an toàn tại chợ Duy Tân và Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum. Những cửa hàng bán rau an toàn này ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Chị  Võ Thị Nhật Diệu, người mua hàng cho biết: “ Hầu như ngày nào tôi cũng mua rau sạch ở đây, bởi vì rau ở đây theo tiêu chuẩn Vietgap nên tôi rất an tâm. Rau ở ngoài chợ tôi không biết nguồn gốc nó ở đâu nên tôi không yên tâm lắm”.

“Mặc dù giá cả rau ở trong cửa hàng có đắt hơn so với ngoài thị trường, nhưng tôi vẫn tin tưởng và thường xuyên mua rau sạch ở đây. Bởi vì rau ở đây đã được sản xuất theo một quy trình an toàn, đảm bảo cho sức khỏe gia đình”. Chị Trương Thị Ngọc Lan, người mua hàng nói.

Chị Trương Thị Bích Ngọc, nhân viên cửa hàng rau an toàn Trung tâm Thương mại thành phố Kon Tum cho biết: “Sản lượng bán ra hàng ngày của cửa hàng về rau khoảng 60 – 70 bó, có ngày cũng được 100 bó. Còn củ, quả thì chủ yếu cà rốt, cà chua. Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, đi làm Nhà nước, biết được dự án của Phòng Kinh tế, và rau củ ở đây đảm bảo chất lượng”.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, sản lượng rau sạch sản xuất trong 2 năm ước đạt khoảng 224 tấn, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tương đối cao, nhưng việc tiêu thụ vẫn chưa đạt như kế hoạch dự án đặt ra. Bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum nói: “Trong 2 năm qua, việc tiêu thụ có chiều hướng tốt dần lên. Với năng lực sản xuất của các hộ thì chưa tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra. Nguyên nhân chính chủ yếu là 2 quầy hàng bán lẻ là chính, và người tiêu dùng chủ yếu là cán bộ, công chức biết về dự án, biết về vùng sản xuất thì người ta yên tâm sử dụng. Còn những hộ gia đình khác thì chưa quan tâm nhiều, chưa có sự phân biệt, đánh giá giữa sản phẩm an toàn và không an toàn thì người ta không quan tâm nhiều đến sản phẩm”.

Thời điểm này, dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap đã kết thúc. Tuy nhiên, để các hộ dân tiếp tục sản xuất, thành phố Kon Tum vẫn tạo điều kiện về nguồn vốn khoa học công nghệ hàng năm để hỗ trợ một phần cho các hộ yên tâm sản xuất rau an toàn.

Với những giải pháp thiết thực, nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, sản phẩm rau an toàn của thành phố sẽ tạo dựng thương hiệu và chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thu nhập cho người trồng rau. Chính vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất rau an toàn là cần thiết, mang tính lâu dài cho toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

                                                Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *