(kontumtv.vn) – Tuy mới triển khai, nhưng mô hình trồng xen sâm dây với những loại cây trồng khác đã đem lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hội viên  phụ nữ huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Tu Mơ Rông về đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, từ năm 2014 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tu Mơ Rông đã khuyến khích hội viên phát triển mô hình trồng xen cây sâm dây với các loại cây như bắp, mì và cà phê. Đến nay đã có hơn 100 chị em hội viên phụ nữ nghèo tại 2 xã Măng Ri và Tê Xăng tham gia trồng sâm dây. Chị Đặng Thị Thu Hiền, cán bộ Hội Phụ nữ huyện TuMơ Rông nói: “Sau khi theo dõi, kiểm tra thì thấy mô hình phát triển tốt và có thể nhân rộng được ra nhiều hộ cho phụ nữ nghèo. Vì phát triển cây sâm dây mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ”.

Khai thác củ sâm dây
Khai thác củ sâm dây

Năm 2014, chị Y Pót (làng Đăk Viên, xã Tê Xăng) được Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 30 kg giống để trồng 1 sào sâm dây. Đến nay, diện tích sâm dây trồng xen với cà phê xứ lạnh của gia đình chị phát triển tốt. Tuy chưa bán sản phẩm củ do để dành giống nhân rộng diện tích, nhưng chị Y Pót vẫn có thu nhập từ cây sâm dây. Chị Y Pót cho biết: “Sâm dây thu cả lá, hạt, củ. Vừa rồi thu được một ít lá đem về bán, 1 kg được  20.000đ. Sắp tới thu củ, hạt. Năm ngoái lấy đem cho chị em hội viên làm giống thôi”.

Là một trong những hộ gia đình thực hiện thí điểm mô hình trồng sâm dây do Hội Phụ nữ huyện phát động, đến nay Chị Y Mẫu (làng Pu Tá, xã MăngRi) có thu nhập hơn 40 triệu đồng từ cây sâm dây trong diện tích trồng xen với bắp và mì.  Cùng với chị Y Mẫu, nhiều hội viên phụ nữ của thôn Pu Tá, xã Măng Ri đã có thu nhập ổn định từ mô hình trồng xen cây sâm dây. Chị Y Mẫu nói: “Sâm dây của thôn Pu Tá là 5 ha. 1kg củ sâm dây bán được 50.000đ, đã mang lại thu nhập khá cao cho bà con”.

 Hiệu quả của mô hình trồng xen cây sâm dây với các loại cây trồng khác do Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông phát động là một trong những giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu của huyện Tu Mơ Rông đến  2020 phát triển được 250 ha sâm dây, 1.000 ha sâm Ngọc Linh và 50 ha sâm đương quy. Đây còn là mô hình giúp chị em hội viên phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

                                                                                                Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *