(kontumtv.vn) – Trong tuần làm việc thứ năm của kỳ họp thứ 8 (từ ngày 17 đến 21/11) Quốc hội khóa XIII tập trung thực hiện công tác chất vấn và trả lời chất vấn, công tác xây dựng pháp luật. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tham gia nhiều ý kiến thảo luận, chất vấn tại các phiên họp.                                                                                                     

Quốc hội đã tiến hành 01 buổi thảo luận tại hội trường đối với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Tô Văn Tám và 16 đại biểu Quốc hội khác tham gia phát biểu thảo luận. Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung: Đánh giá cao kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn; một số tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục khắc phục như hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; bộ máy biên chế lớn … Chính phủ cần có kế hoạch triển khai thực hiện mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; trồng, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; gắn kết sản xuất với thị trường; thúc đẩy thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Quốc hội tiến hành 5 buổi làm việc tại hội trường để chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những nội dung chủ yếu: Việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, khai thác các nhà máy thủy điện; vấn đề trồng bù diện tích rừng để xây dựng nhà máy thủy điện và thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại khu vực xây dựng nhà máy thủy điện; các chính sách khuyến khích công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ phát triển; công tác điều hành, kiểm soát giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu và điện; công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu qua biên giới, chống gian lận thương mại trong nước… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn của 16 đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung: Công tác tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cơ chế, chính sách thiết thực để thu hút nhân tài vào bộ máy Nhà nước; bộ máy Nhà nước cồng kềnh; vấn đề bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ; biện pháp chống tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, bệnh “vô cảm” của công chức, viên chức trong thực thi công vụ… Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn của 16 đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung sau: Về vận tải và các giải pháp đảm bảo giá cước hợp lý; thực trạng hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông nông thôn nói riêng; tiến độ, chất lượng xây dựng hệ thống cầu treo ở vùng sâu, vùng cao; tình trạng hư hỏng, xuống cấp đối với các tuyến đường giao thông mới đưa vào sử dụng và giải pháp quản lý toàn diện từ thi công, giám sát và hoàn thành công trình… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của 23 đại biểu Quốc hội, tập trung vào các nội dung: Về chính sách tiền lương cho người lao động có thu nhập thấp, cán bộ hưu trí; các giải pháp cải cách tiền lương trong thời gian tới; việc triển khai các chính sách đối với người có công, trợ cấp xã hội; kết quả xử lý tình trạng thương binh, người có công và thanh niên xung phong giả; tình trạng thiếu việc làm, sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành đào tạo; sự phối hợp giữa đào tạo, tuyển dụng và công tác dự báo nhu cầu việc làm; hiệu quả đào tạo nghề… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề, trực tiếp trả lời chất vấn của 9 đại biểu Quốc hội về những nội dung: Chính sách liên kết vùng trong phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; các biện pháp giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách phát triển kinh tế biển; các biện pháp của Nhà nước trong giải quyết nợ xấu của ngân hàng; chính sách quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; chính sách thu hút nhân tài, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo; tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh; việc triển khai xây dựng hệ thống đê biển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; công tác phòng, chống biến đổi khí hậu…

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương tại hội trường, chất vấn 6 ý kiến bằng văn bản đối với các Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tiến hành thảo luận Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đồng thời Quốc hội cũng tiến hành thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Trung đã phát biểu tham gia 3 ý kiến vào đề án này.

CTV Hồ Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *