(kontumtv.vn) – Trong tuần làm việc thứ sáu – tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 8 (từ ngày 24 đến 28/11) Quốc hội khóa XIII đã tập trung thực hiện công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tham gia nhiều ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật.  

Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 13 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật Thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Đồng thời Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 8 nghị quyết: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường đối với 7 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp này: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Vinh Hà đã phát biểu tham gia 4 ý kiến vào Dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật; thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định số chi ngân sách Nhà nước cho một số lĩnh vực; quy định ứng trước dự toán ngân sách hàng năm và quyết toán ngân sách Nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Vinh Hà, để lĩnh vực môi trường từng bước thực sự là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững, cần xem xét tăng mức chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm, trong những năm trước mắt bố trí 2% GDP và những năm tiếp tới cao hơn nữa khi kinh tế phát triển; đồng thời bổ sung nhiệm vụ của Quốc hội về quy định chi cho môi trường vào cuối điểm b, khoản 4, Điều 18 như đối với các lĩnh vực về giáo dục, đào tạo, về dạy nghề, về khoa học, công nghệ.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến vào Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền và hình thức văn bản quy phạm pháp luật; về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã; vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và việc nợ văn bản hướng dẫn chi tiết, ra văn bản chồng chéo, mâu thuẫn,… Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc nợ văn bản hướng dẫn chi tiết, ra văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí là không phù hợp với Hiến pháp, luật là vấn đề mà cử tri cũng như Quốc hội quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chuyển biến chậm. Sửa đổi luật lần này là một cơ hội cho việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, cho việc đưa hoạt động này vào nề nếp và kịp thời, sớm khắc phục tình trạng nợ văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc văn bản chồng chéo, mâu thuẫn. Đại biểu Tô Văn Tám đánh giá cao việc quy định sự chịu trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và ban hành văn bản sai trái tại khoản 2, Điều 4 của dự thảo, đó là: “Cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước hoặc ban hành văn bản trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Đây là một điểm mới và cũng là một điểm sáng của dự thảo luật so với luật hiện hành. Nhưng trách nhiệm đó đến đâu và là trách nhiệm gì cần phải được xác định rõ, đề nghị xác định trách nhiệm này theo hướng, tùy chủ thể ban hành và mức độ của vấn đề mà xác định trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này nên là trách nhiệm kỷ luật theo pháp luật hành chính và có thể áp dụng trách nhiệm bồi thường nếu gây thiệt hại cho công dân và xã hội.

CTV Hồ Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *