(kontumtv.vn) – Chiều 28/2, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã tham dự.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Trong năm 2017, cả nước đã bố trí hơn 15.230 tỷ đồng ngân sách Trung ương, hơn 36.540 tỷ đồng ngân sách địa phương; huy động được hơn 55.110 tỷ đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho đầu tư; huy động được hơn 64.230 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp cùng với ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, thông qua các hệ thống, các tổ chức tín dụng đã ghi nhận dư nợ tín dụng tăng thêm năm 2017 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn các xã đạt hơn 145.300 tỷ đồng; phần tăng thêm này được bổ sung cho vay đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn huy động được, các cơ quan thực hiện chương trình mục tiêu đã phân bổ để thanh toán các khoản đã ứng trước kế hoạch và trả nợ xây dựng cơ bản;  hỗ trợ thực hiện các nội dung cho công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội và hạ tầng ở những địa bàn thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, cải thiện môi trường, giữ vững an ninh trật tự khu vực nông thôn. Vì vậy, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả tích cực.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong năm 2017 cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 144 xã so với cuối năm 2016; 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trong năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72%, giảm 1,5%  so với cuối năm 2016. Có 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 vẫn còn một số hạn chế như việc xây dựng văn bản quy phạm trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số bộ và một số địa phương vẫn còn chưa đảm bảo theo tiến độ được giao làm ảnh hưởng đến công tác phân bổ, sử dụng vốn; việc triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đến các đơn vị, các cấp trực thuộc và công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở một số địa phương còn chậm với quy định quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý đầu tư công; việc thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập vẫn còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững…

Tại Hội nghị, một số bộ, cơ quan Trung ương đã có báo cáo tham luận về thực tiễn kinh nghiệm quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017; lãnh đạo một số địa phương chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, các chương trình mục tiêu quốc gia  năm 2018  phải thực hiện với phương châm chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả. Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tập trung rà soát, xây dựng, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về giảm nghèo, nhất là đối với khu vực miền núi; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm nghèo bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *