(kontumtv.vn) – Sáng 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Trong 06 tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề các mặt đời sống kinh tế, xã hội trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 1,8%. Trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với tốc độ tăng thêm khoảng 0,5%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng so với khu vực và thế giới thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, nền kinh tế vẫn được đảm bảo, xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 06 tháng đầu năm ước đạt hơn 850 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại các quốc gia, đặt ra những thách thức lớn trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn đối với kinh tế Việt Nam nhưng cũng mở ra những cơ hội và động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Do vậy, trong 06 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương các giải pháp, đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, xây dựng kịch bản, chỉ tiêu đưa vào Nghị quyết thực hiện trong thời gian tới; từng bộ, ngành, địa phương thành lập Ban Chỉ đạo chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19; thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng; kiến quyết không để dịch bệnh quay trở lại…dùng mọi biện pháp thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, đảm bảo mục tiêu kép và an sinh xã hội.

                                                                                     Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *