(kontumtv.vn) – Sáng 1/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức Hội nghị trực tuyến Ứng phó với áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 2. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên, hình thành cơn bão số 2. Các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa to, lượng mưa phổ biến 80 – 150 mm/đợt; Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa 200 – 350 mm, có nơi trên 400 mm. Ngoài ra, Tây Nguyên và Nam bộ cũng có mưa to và giông, lượng mưa từ 100 – 200 mm, riêng khu vực Bắc Tây nguyên là 200 – 300 mm, có nơi trên 350 mm/đợt. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ có khả năng xảy ra do mưa lớn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước mắt cần tập trung đảm bảo an toàn trên biển, kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền về nơi neo đậu an toàn; bảo vệ tính mạng người dân và tài sản trên các lồng bè ở vùng nuôi trồng thuỷ sản. Đối với những vùng bão có khả năng đổ bộ trực tiếp cần chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bảo vệ các công trình công sở, nhà cửa, công trình giao thông, đê điều, chủ động ứng phó khi nước lên; nhanh chóng sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng. Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương phối hợp đảm bảo an toàn hồ đập, có biện pháp vận hành hợp lý để vừa đảm bảo an toàn, vừa tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đến vấn đề dự trữ lương thực, hàng hoá thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng chống, chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

                                                                                     Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *