(kontumtv.vn) –  Năm 2017, xuất khẩu cả nước đạt 214 tỷ USD, tăng hơn  21% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Kết quả ấn tượng này đã được Chính phủ đánh giá tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra vào sáng 23/4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Đầu cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Hội nghị đánh giá, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Năm 2017, có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; 20  mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Nhóm hàng nông, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn đạt mức tăng gần 26% so với năm 2016. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Năm 2017, mặc dù xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế như xuất khẩu chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm 3 hàng điện tử; xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á và có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trên cơ sở đánh giá những hạn chế trong xuất khẩu của năm 2017 và dự báo cơ hội cũng như những rủi ro, thách thức cho xuất khẩu, năm 2018 Chính phủ tập trung triển khai các nhóm giải pháp chủ yếu như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu tổ chức hoạt động xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; đưa ra những sáng kiến để loại bỏ những rào cản trong hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động thông tin để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt thông tin thị trường cũng như cơ hội, rủi ro trong xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *