(konrumtv.vn) – UBND tỉnh Kon Tum và Hiệp hội sắn Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển sắn bền vững tỉnh Kon Tum năm 2016. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải chủ trì Hội thảo.

Theo các báo cáo và tham luận tại Hội thảo, cây sắn hiện đang được đánh giá là cây lương thực có tiềm năng phát triển to lớn, được Tổ chức lương thực nông nghiệp Liên Hiệp quốc FAO dự đoán là cây trồng của thế kỷ 21. Tại Việt Nam, với diện tích gần 600.000 ha, cây sắn những năm qua đã mang lại giá trị lớn cho xuất khẩu và góp phần giải quyết việc làm, thu nhập đáng kể cho người nông dân và doanh nghiệp. Trong năm 2015 vừa qua, sản phẩm cây sắn đã chiếm vị trí thứ 4 trong kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, sau cây lúa, cà phê và điều.

Hội thảo phát triển
Hội thảo phát triển sắn bền vững

Tại Kon Tum, tuy những năm qua không khuyến khích phát triển, nhưng diện tích cây sắn hiện tại vẫn tương đối lớn, với gần 40.000 ha, chiếm 23,4% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh và là cây trồng chính của nhiều hộ gia đình, được tỉnh xác định là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của địa phương. Với diện tích vùng nguyên liệu tương đối lớn, chất lượng tinh bột cao, hiện Kon Tum đã có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 1 nhà máy chế biến cồn sinh học đang hoạt động, với công suất thiết kế trên 200.000 tấn tinh bột và 35.000 m3 cồn trong năm. Ngoài ra có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn và cồn sinh học Ethanol đang trong giai đoạn xây dựng.

Tuy nhiên, do canh tác lâu năm trên đất đồi dốc, ít đầu tư phân bón nên năng suất sắn trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Tại Hội thảo, nhiều giải pháp về phát triển bền vững cây sắn, gắn với chế biến, bảo vệ môi trường và thị trường tiêu thụ đã được nêu ra, phân tích và làm rõ, như bằng cách sử dụng giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, cải tiến công nghệ trong chế biến, xứ lý nước thải, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ… Đây là những cơ sở quan trọng để tỉnh Kon Tum tiếp tục nghiên cứu và có định hướng phát triển cây sắn bền vững trong những năm tới. Trước mắt là ổn định diện tích, đưa các giống sắn mới có năng suất, trữ lượng tinh bột cao vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng năng suất; chuyển đổi diện tích lúa đông xuân thiếu nước và lúa 1 vụ sang trồng sắn.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *