(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới đã tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hướng đi được ưu tiên lựa chọn là làm nông nghiệp hữu cơ. Thời gian đầu thực hiện tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với tâm huyết, sự say mê tìm tòi của những người nông dân thông thái, nền tảng về một nền nông nghiệp xanh và bền vững đang từng bước hình thành trên quê hương Kon Tum.  

Chính thức hoạt động vào tháng 6/2018, Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên có 7 thành viên. Tất cả còn rất trẻ với độ tuổi trung bình là 26. Các thành viên đều có trình độ học vấn từ đại học trở lên. Đó là những kỹ sư về công nghệ sinh học, những bác sĩ chuyên về dinh dưỡng và sức khỏe. 7 con người ưu tú ấy đã và đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nơi họ lựa chọn làm nông nghiệp xanh, không đâu khác chính là vùng đất Măng Đen của huyện Kon Plông. Chị Trần Thị Dung, Quản lý hợp tác xã này cho biết: “Trước đây chị Viên là người đã nghiên cứu ra cái vi sinh để kiểm soát các loại sâu bệnh trên cây trồng và dinh dưỡng trong đất. Chính vì quá trình nghiên cứu đó mà chị Viên có được cái cảm nhận về môi trường tự nhiên một cách rõ rệt. Sau khi gặp được chị Diệp và các chị đó quyết định đưa ra các lớp học về quản lý, quản trị nông nghiệp hữu cơ. Cái máu về nông nghiệp, cái tình yêu thương nông nghiệp và sứ mệnh của nó là cải tạo đất đai ngày càng ăn sâu vào những con người đang làm nông nghiệp ở đây và đó là lý do bên mình lựa chọn nông nghiệp hữu cơ để phát triển nó”.

Sản xuất rau hữu cơ
Sản xuất rau hữu cơ

Trồng, chăm sóc rau hoa hữu cơ, Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên đầu tư xây dựng 10,000 m2 nhà màng. Mỗi nhà màng có chi phí lắp đặt khoảng 150 triệu đồng. Luôn có từ 10 đến 14 công nhân làm việc tại đây. Cùng với các kỹ thuật như tỉa hạt, lên luống, ủ phân, rải bạt, làm đất, công nhân còn có nhiệm vụ quan trọng là ghi nhật ký bằng phần mềm quản lý trên điện thoại di động. Ứng dụng này cho phép người sử dụng ghi chú toàn bộ thông tin về loại cây trồng ở từng luống rau, từng nhà màng kể từ ngày gieo hạt đến lúc thu hoạch. Đây không chỉ là kho dữ liệu hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc cây trồng mà còn giúp họ trở thành những khách hàng thông thái khi hiểu rõ quy trình sản xuất các sản phẩm mà mình lựa chọn. Chị Trần Thị Dung cho biết thêm: “Mỗi quy trình của mình sẽ tuân thủ nghiêm ngặt. Ví dụ như với làm đất thì trước khi các bạn làm đất phải test được cho mình đầu luống, cuối luống cái mức độ dinh dưỡng của nó chênh lệch nhau như thế nào. Các bạn được dạy kỹ thuật test đất, lấy mẫu như thế nào, test như thế nào và đưa ra số liệu như thế nào thì có mức độ chính xác cao nhất. Đó cũng là cách để quản lý như mình có thể kiểm tra công nhân của mình đã làm đúng quy trình hay chưa và họ đang tuân thủ hay không”.

Việc đưa ra một quy trình chuẩn trong trồng, chăm sóc các loại rau hoa hữu cơ không chỉ có ý nghĩa về mặt sức khỏe mà còn liên quan đến việc cải tạo môi trường về lâu về dài. Đây cũng chính là tính bền vững mà nông nghiệp hữu cơ hướng tới. Chị Phạm Thị Hảo, Kỹ sư Di truyền sinh học phân tử, học viên của HTX nói: “Khi mình quan tâm về thực phẩm hữu cơ thì mình có ghé 1 năm để tìm hiểu các farm hữu cơ. Mình có tìm hiểu ở Thái Lan và Myanmar. Trong thời gian đó mình trở lại Việt Nam và mình biết ở Măng Đen có farm hữu cơ như vậy. Đến đây mình mong muốn có thể biết một quy trình chuẩn về việc trồng 1 cây nông nghiệp hữu cơ thì như thế nào để mình có thể ứng dụng, áp dụng được”.

Hiện nay, Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên sản xuất 15 loại rau củ hữu cơ với thị trường tiêu thụ chủ yếu là siêu thị BigC, chuỗi cửa hàng E – Mart ở TP. Hồ Chí Minh và sắp tới phân phối cho hệ thống siêu thị Coopmart Extra Sài Gòn. Đáng nói với sản lượng 5 tấn rau củ mỗi tháng thì hiện tại, Hợp tác xã mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu thị trường. Đơn vị cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kon Plông để cùng phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo thu nhập bền vững cho người dân. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum nói: “ Thời gian gần đây, các cấp, ngành đã quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang được doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm”.

Cuối tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Trong chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum vào đầu tháng 7 này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định với những lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh Kon Tum có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ và Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để địa phương phát triển. Hy vọng với sự quan tâm, đầu tư từ Trung ương và những bước đi tiên phong của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, Kon Tum sẽ sớm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Tây Nguyên.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *