(kotumtv.vn) – Giá đường đứng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua do sự canh tranh của sản phẩm ngoại nhập, cùng với đó là chủ trương thu mua nhỏ giọt, chèn ép của doanh nghiệp đã làm cho nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với cây mía.

Nỗi lo mía cháy, mía khô, mất chữ đường dẫn đến thất thu khiến chị Rơ Chăm Loan (Trại phong Đăk Kia, thành phố Kon Tum) mất vui trong dịp Tết năm nay. Vì vậy, hàng ngày chị phải địu con nhỏ lên rẫy mía để trông nom, kể cả những ngày tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Chị Rơ Chăm Loan chia sẻ: “Nhà máy chưa kêu chặt mía, mới chặt một đám, còn nhiều nhà chưa chặt mà Tết chưa chặt thì mình phải ra trông nên ăn Tết không ngon, sợ mía cháy, có nhiều đám cháy xảy ra rồi nên mình phải canh. Như thế này thì chắc năm sau không làm mía nữa”.

Nhà máy thu mua mía chậm gây thiệt hại cho nông dân
Nhà máy thu mua mía chậm gây thiệt hại cho nông dân

Chuyện Công ty Đường Kon Tum chậm thu mua mía không phải là mới nhưng vẫn khiến nhiều hộ nông dân đau lòng. Bởi lẽ, cây mía chậm thu hoạch ngày nào thì sẽ mất chữ đường, mất sản lượng ngày đó. Ông Lê Tự Đích (thôn 7 xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) nói: “Nếu mình thu hoạch chậm không đúng niên vụ qua sau Tết thế này thì thiệt hại mỗi ha theo tôi ước đoán từ 8-10 triệu đồng”.

Khi đặt bút ký hợp đồng với bà con nông dân, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum không hề cam kết khi nào sẽ tổ chức thu mua sản phẩm đối với từng diện tích và từng khu vực trồng mía. Công ty bỏ mặc cho bà con tự sản xuất, tự gieo trồng. Điều này dẫn đến có nhiều diện tích xuống giống cùng lúc và đòi hỏi phải thu hoạch cùng lúc thì mới đạt năng suất cao và chữ đường tốt. Thế nhưng khi thu mua mía, bà con nông dân mới nhận ra rằng Công ty Cổ phần Đường Kon Tum chỉ thu mua dựa trên lịch sản xuất của mình đề ra. Vì vậy, có nhiều diện tích mía khô héo mà vẫn chưa được thu hoạch. Khó khăn của bà con nông dân càng tăng cao khi Công ty Cổ phần Đường Kon Tum không mặn mà với khâu sản xuất do giá đường bị sụt giảm. Tính đến ngày 14/02/2019, tức ngày mùng 10 tết nhưng nhà máy vẫn đóng cửa và chưa tổ chức thu mua trở lại. Vào lúc này có hàng trăm héc ta mía của bà con nông dân phơi đồng, kéo theo hàng trăm gia đình khổ sở nhìn ruộng mía mất giá. Ông Nguyễn Yên, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum nói: “Nhà máy Đường không những năm nay mà năm ngoái, năm 2017 thu mua rất là chậm, chúng tôi cũng làm việc với Nhà máy Đường, thông qua kết quả làm việc thì nhà máy giải thích kiểu trong đơn vị kinh danh của người ta. Còn đối với chúng tôi thì chúng tôi rất lo lắng vì người dân thiệt hại, giảm nguồn kinh tế thì đời sống gặp nhiều khó khăn”.

Năm 2018, tỉnh Kon Tum có gần 1.560 ha mía, giảm hơn 500 ha so với năm 2017 và chỉ đạt trên 80% kế hoạch đề ra. Tính riêng địa bàn thành phố Kon Tum, diện tích cây mía chỉ còn trên 900ha, giảm trên 300 ha so với năm 2017.

Là một trong những địa bàn trọng điểm về cây mía trên địa bàn thành phố Kon Tum, tuy nhiên năm 2018 diện tích cây mía trên địa bàn xã Đoàn Kết chỉ đạt trên 57%. Nguyên nhân giảm là do người dân quay lưng lại với cây mía. Bước vào niên vụ 2019, dự kiến diện tích cây mía trên địa bàn xã Đoàn Kết sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân là những diện tích mía bị thu hoạch muộn khả năng tái sinh gốc hạn chế. Đặc biệt là lòng tin của người dân đỗi với Công ty Đường Kon Tum bị suy giảm nghiêm trọng.

Văn Hiển- Đức Thắng

 

                                                                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *