(kontumtv.vn) – Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát trên toàn địa bàn nhưng đến thời điểm này, rất ít hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý lo ngại dịch bùng phát trở lại và giá lợn giống hiện tương đối cao khiến các hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn. Điều này phần nào tác động đến nguồn cung thịt lợn trên địa bàn. Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đào Bá Quyết, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết, sau dịch tả lợn châu Phi, công tác tái đàn trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Đào Bá Quyết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 10 con, các hộ có lợn mắc bệnh hoặc đã bị mắc bệnh hầu hết chưa tái đàn mà chủ yếu số ít tái đàn từ hộ chăn nuôi 10 con trở lên, mà đây cũng ít hộ thôi. Nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác như chăn nuôi bò, gà, vịt, cá, đặc biệt chủ yếu nuôi bò do hiện tại giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào, dịch bệnh được kiểm soát. Đối với cơ sở, trang trại chăn nuôi quy mô lớn  hoặc chăn nuôi có liên kết với công ty như công ty Cổ phần Greenfit đã triển khai tái đàn hơn 20 ngàn con lợn và khoảng 100 ngàn con gia cầm theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, thời gian qua, các cấp, ngành tại địa phương đã kiên quyết không cho tái đàn.

Ông Đào Bá Quyết trả lời phỏng vấn của PV
Ông Đào Bá Quyết trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, liệu việc hạn chế tái đàn hay chậm tái đàn có phải là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung thịt lợn giảm, dẫn đến tình trạng giá thịt lợn tăng cao trong những ngày gần đây?

Ông Đào Bá Quyết: Vâng, việc hạn chế tái đàn hay tái đàn chậm cũng là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên việc tái đàn chậm cũng có nhiều lý do. Trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và một số hộ thực hiện chăn nuôi mang tính thời vụ nên việc tổ chức quản lý chăn nuôi cũng như tổ chức các biện pháp phòng dịch gặp nhiều khó khăn và người dân vẫn còn e ngại với tình hình dịch bệnh hiện nay. Mặt khác bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh giá lợn giống và thức ăn trên thị rường hiện nay đang ở mức rất cao. Lợn giống hiện nay hơn 10kg/con có giá 3 triệu đồng rất khó khăn cho người chăn nuôi đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nghèo.

PV: Thưa ông, nhân đây ông có khuyến cáo gì cho bà con để tái đàn hiệu quả và hiện nay ngành Chăn nuôi tỉnh có những hỗ trợ gì để bà con chăn nuôi tái đàn?

Ông Đào Bá Quyết: Trong giai đoạn giá cả heo như hiện nay và tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, để người dân tái đàn có hiệu quả trong thời gian này, cũng khuyến cáo bà con nên  áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như chuồng trại đảm bảo, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc để nâng cao sức đề kháng. Về con giống để chăn nuôi phải kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại bệnh cho đàn gia súc. Khuyến khích đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn lợn ở các cơ sở, trang trại chăn nuôi đầu tư công nghệ cao, khép kín, đảm bảo đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Hướng tới theo chỉ đạo của cấp trên thì đơn vị cũng sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét sẽ có những chính sách phù hợp, cụ thể để hỗ trợ giúp người dân chăn nuôi phát triển đàn lợn, phục vụ công tác đảm bảo nguồn cung thịt lợn nói chung trên cả nước và tỉnh Kon Tum nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *