(kontumtv.vn) – Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đang từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng ở xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy. Năm vừa qua, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng hơn 7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Trong mỗi thôn, làng, bà con đều ý thức vươn lên, tích cực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình với mong muốn đón một cái Tết đủ đầy, no ấm.

Đăk Tờ Lung là một trong 04 xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy. Xã có 8 thôn, làng; khoảng 630 hộ với gần 2.400 nhân khẩu. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04, ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới và Chương trình số 34 ngày 13/10/2016 của Huyện ủy Kon Rẫy đối với việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Đảng ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét về kinh tế – xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cuả xã hơn 01 ngàn ha; trong đó, diện tích cây hàng năm khoảng 850 ha; cây lâu năm hơn 160 ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 6.500 con, chủ yếu là bò, dê, gà, lợn. Để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập hàng năm cho bà con, Đảng ủy, chính quyền xã tích cực vận động, tuyên truyền Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là mạnh dạn triển khai các mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Ông Đinh Địa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tờ Lung cho hay: “Trong năm 2018, kinh tế – xã hội trên địa bàn xã có bước phát triển nổi bật. Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trong năm cũng đã vận động bà con Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể là chuyển đổi diện tích đất trồng mỳ lâu năm sang trồng cây cà phê. Năm 2018 đã thực hiện trên 38 ha trồng cây cà phê. Ngoài ra mạnh dạn vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi”.

Nông thôn mới Đăk Tơ Lung
Nông thôn mới Đăk Tờ Lung

Hiện nay, xã Đăk Tờ Lung đã và đang triển khai một số mô hình trồng trọt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như trồng khoai lang Nhật, sản xuất rau an toàn với sự tham gia của hơn 20 hộ dân, trồng chuối tập trung trên diện tích đất đồi dốc… Ông Phan Mộng Hùng, 64 tuổi ở thôn Kon Lỗ đi đầu về thực hiện thí điểm mô hình trồng chuối. Ông Hùng cho biết, chuối là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít và không cần quá nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, địa hình đất đồi dốc rất phù hợp với trồng chuối. Năm 2017, ông Hùng trồng 2.500 cây trên diện tích 03 ha. Một năm sau, chuối bắt đầu được thu hoạch, cho thu nhập đều đặn hàng tháng từ 11 – 13 triệu đồng. Ông Phan Mộng Hùng (thôn Kon Lỗ, xã Đăk Tờ Lung) cho biết: “Theo dự tính, 2.500 cây, sắp đến Tết năm nay, tôi sẽ thu khoảng tầm 200 buồng. Thị trường năm nay không biết thế nào, nếu như tính theo giá năm ngoái thì 200 buồng tôi có thể có 100 triệu là dịp Tết. Cho nên chuối thì chăm sóc, làm sao làm, nhờ dịp Tết thì cái đó là của dư của gia đình”.

Nâng cao thu nhập cho bà con, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, năm 2018, xã Đăk Tờ Lung đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế địa phương như phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cấp giống heo sọc dưa cho 20 hộ dân, hỗ trợ 20 bò giống sinh sản cho các hộ nghèo; cấp 16 con bò cái sinh sản cho các hộ tại thôn Kon Lung từ nguồn vốn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đáng chú ý, xã triển khai thành lập 03 nhóm hộ nuôi dê sinh sản ở các thôn Kon Mong, Kon Lỗ, Kon Lung với gần 40 hộ tham gia, nuôi hơn 80 con dê và tổng vốn đầu tư khoảng 170 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hộ đã có thu nhập từ mô hình nuôi dê sinh sản. Từ đây, niềm vui đón một cái Tết no ấm, đủ đầy hơn đã thành hiện thực. Anh A Hội (thôn Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung) phấn khởi nói: “Trong năm vừa rồi, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 02 con dê và hỗ trợ heo. Gia đình tôi rất vui mừng do trước đây gia đình không có điều kiện mua được dê với heo để nuôi nên từ khi được hỗ trợ, gia đình đã cố gắng nuôi, chăm lo cho heo và dê cho tốt để sau này còn phát triển. Về kinh tế gia đình năm nay thì so với các năm trước khá hơn. Năm nay dự tính gia đình cũng cố gắng tổ chức năm mới thật đầm ấm hơn nữa”.

Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của xã Đăk Tờ Lung giảm mạnh so với năm 2017. Tỷ lệ các hộ sinh con thứ 03 trở lên còn khoảng 13%, thấp nhấp trong toàn huyện. Tất cả 8 thôn đều đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 97%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng hơn 7 triệu đồng/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao đời sống kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một xã đặc biệt khó khăn. Năm 2019, để bà con đón một cái Tết sum vầy, no ấm, xã tích cực triển khai kế hoạch tổ chức “Ngày hội Bánh chưng xanh”. Ông Đinh Địa cho biết: “Để giúp cho bà con có một cái Tết sum vầy, an toàn, tiết kiệm, trong thời gian cuối năm, cấp ủy cũng chỉ đạo chính quyền rà soát trên địa bàn tất cả các thôn, những hộ nào có nguy cơ đói, thiếu ăn thì cũng lập danh sách đề xuất lên huyện để kịp thời hỗ trợ. Xã cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh. Hiện nay kinh phí thực hiện đã huy động đảm bảo để tổ chức”.

Đăk Tờ Lung được huyện Kon Rẫy chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã đạt 15/19 tiêu chí. Trong năm mới này, xã tiếp tục phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 35 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 20%; ưu tiên đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế; đảm bảo công tác an sinh – xã hội trên toàn địa bàn; góp phần về đích nông thôn mới.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *