(kontumtv.vn) – Sau hơn 4 năm triển khai tái định cư, tái định canh Dự án Thủy điện Đăk Đrinh, đến nay, diện mạo nông thôn tại các khu tái định cư của xã Đăk Nên (Kon Plông, Kon Tum) đã có nhiều khởi sắc, người dân ổn định đời sống và yên tâm lao động sản xuất.

Thực hiện chủ trương tái định cư, tái định canh Dự án Thủy điện Đăk Đrinh, xã Đăk Nên có 165 hộ di dời đến nơi ở mới. Được sự đầu tư của dự án và hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay tất cả các khu tái định cư đã được xây dựng đồng bộ đường giao thông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt. Các trường học tại khu tái định cư đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em. Trạm y tế hoạt động nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Anh A Tun (thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên) nói: “ Người dân đau ốm là có trạm y tế, có bác sỹ cấp cứu ở gần đó, không xa. So sánh chỗ cũ thì trạm y tế xa, đường cũng khó. Giờ sung sướng rồi, Nhà nước lo khu tái định cư cho dân”.

Làng tái định cư xã Đăk Nên
Làng tái định cư xã Đăk Nên

Tháng 7/2013, 16/54 hộ dân của thôn Đăk Lai trong vùng ngập của lòng hồ Thủy điện Đăk Đrinh đã chủ động di dời đến nơi ở và nơi sản xuất mới. Mỗi hộ được chi trả tiền đền bù, nhận nhà ở mới  cùng với 1.000 m2 đất vườn và 1 ha đất sản xuất nương rẫy. An cư lạc nghiệp, đời sống của người dân thôn Đăk Lai từng bước phát triển ổn định. Không chỉ trồng cây cau, cây keo, bời lời, lúa nước, bà con trong thôn còn phát triển chăn nuôi 144 con trâu bò, 140 con heo và 27 con dê. Nhiều hộ đã có của ăn của để, mua sắm các vật dụng hiện đại trong gia đình. Ông A Quang, già làng thôn Đăk Lai phấn khởi: “Trước đây, bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ, thiếu ăn vào các đợt giáp hạt. Được chuyển qua khu tái định cư thì bà con rất vui mừng, đời sống đã được nâng lên. Bây giờ không còn hộ đói nữa”.

“Điểm nổi bật của khu tái định cư, tái định canh trên địa bàn là cơ bản hạ tầng đã được đầu tư, hiện tại hoạt động tốt. Trong đó điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư và xây dựng. Bà con sinh sống tại khu tái định cư thì cũng tham gia sản xuất đầy đủ, an tâm về tư tưởng, về phát triển văn hóa cũng duy trì, con em đến trường, đến lớp đầy đủ. Tết Nguyên đán bà con rất phấn khởi, vui vẻ”.   Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết.

Thực hiện chủ trương giảm nghèo, thời gian qua, xã Đăk Nên đã tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn và hỗ trợ cho người dân các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Riêng trong năm 2017, xã đã trích kinh phí trên 3,1 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các tuyến đường bê tông đến nơi sản xuất tại các thôn; đầu tư máy móc để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cá giống, trâu bò, heo địa phương để người dân phát triển kinh tế. Nhìn chung, các chương trình, dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực để bà con phát huy tinh thần tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

          Ngoài ra, các cây trồng truyền thống trên địa bàn như cây cau, cây keo  cũng mang lại thu nhập đáng kể. Anh Đinh Hoàng Tuân (thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên) phấn khởi: “Năm nay thu hoạch cau thì được, tốt, 1kg bán 25.000đ. Năm nay tôi thu hoạch được hơn 20 triệu”.

Về các chương trình hỗ trợ cho người dân trên địa bàn, ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plông cho biết thêm: “Thực hiện phát triển xóa đói, giảm nghèo, cũng như thực hiện Chương trình 30a, 135, nguồn vốn sự nghiệp thì xã đã hỗ trợ bò phát triển chăn nuôi. Thứ hai là phối hợp với huyện đã hỗ trợ cho bà con 7 con trâu, đàn bò và trâu phát triển tốt. Vừa rồi mới mua cho bà con đàn heo là 99 con. Đối với nuôi cá lòng hồ thì đã thả cá, cũng sinh trưởng bình thường. Đối với hỗ trợ về cày cấy, sản xuất, đã hỗ trợ cho 2 máy cày và 50 máy đập lúa để sản xuất, các hộ dân đã nhận đủ và rất phấn khởi”.

Theo truyền thống của người Xê Đăng xã Đăk Nên, mỗi năm, bà con ăn 2 cái tết lớn là Tết rẫy vào cuối tháng 12 và Tết cổ truyền của dân tộc. Đón Tết Mậu Tuất năm nay, người dân tại các khu tái định cư rất phấn khởi vì đời sống ngày càng được cải thiện. Mọi người cùng nhau chuẩn bị những ghè rượu và món ăn ngon để tiếp đón những vị khách đến thăm nhà. Ông Đinh Văn Thìn, thôn trưởng thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên nói: “Tết Nguyên đán thì cứ mỗi hộ là 1 ghè, sau đó thì cứ nộp 1 hộ 5 lít rượu ghè để vui trong ngày Tết Nguyên đán, tổ chức trong nhà văn hóa cộng đồng của thôn. Buổi chiều mình lấy âm nhạc, nhảy múa vui vẻ trong 1 ngày thôi. Ngày thứ 2, thứ 3 mình đi làm, sản xuất bình thường”.

Không khí ngày Tết sung túc, ấm áp tại các vùng tái định cư xã Đăk Nên, huyện Kon Plông minh chứng rõ nét cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất tái định cư trong mùa xuân mới.

 Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *