(kontumtv.vn) – Thực hiện Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ năm 2018, bà con vùng DTTS huyện Kon Plông tiếp tục được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng diện tích và cải thiện thu nhập hàng năm.

Bà Y Sao, Bí thư Đảng ủy thị trấn Măng Đen cho biết, từ khi triển khai đề án trên địa bàn, xã đã hỗ trợ cho gần 100 hộ nghèo chuyển đổi diện tích mì cằn cỗi sang trồng cây dược liệu, chủ yếu là đương quy và sâm dây. Sau 02 năm, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn được nhân rộng lên 16 ha, trong đó có gần 6 ha do Nhà nước hỗ trợ: “Lúc đầu là vận động nhân dân thì cũng hơi khó khăn, vì họ chưa biết cách trồng, chưa biết cách chăm sóc. Qua triển khai từ huyện đến thị trấn, thì thị trấn cũng đã chỉ đạo công tác vận động quần chúng của các ngành, đoàn thể vào cuộc, hướng dẫn, thậm chí là trực tiếp làm với dân một vài bữa, rồi từ đó là dân áp dụng cách trồng, từ một hộ nhân rộng ra thành nhiều hộ”.

Hiện tại, cây đương quy được thu mua tại vườn có mức giá từ 30.000đ – 40.000đ/kg, còn đối với củ sâm dây từ 100.000đ – 120.000đ/kg tươi, cao gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống. Từ hiệu quả thực tế, cây dược liệu đang được nhiều người dân đón nhận, mạnh dạn đầu tư và phát triển để cải thiện thu nhập. Theo đó, thị trấn Măng Đen tiếp tục phấn đấu nhân rộng diện tích dược liệu lên 200 ha vào năm 2025. Chị Y Đê ở thôn Kon Chốt, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ được sâm đương quy từ năm 2019, đến bây giờ làm cỏ thì nó cũng dễ hơn, nó cũng phát triển hơn, với lại giá cả nó cũng hợp lý hơn so với mình trồng mì trước đây. Trong thời gian tới Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân phân bón với lại cây giống nữa để phát triển kinh tế”.

Cây dược liệu rất phù hợp và mang lại thu nhập ổn định cho người dân
Cây dược liệu rất phù hợp và mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Theo Đề án, mỗi hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ ban đầu về giống cây dược liệu, phân bón, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và nhân giống. Kinh phí hỗ trợ không quá 25 triệu đồng/hộ. Hiện tại, đa số các loại cây dược liệu triển khai trồng trên địa bàn huyện đều sinh trưởng tốt, dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch và được người dân phấn khởi thực hiện.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích dược liệu trồng trong 02 năm của huyện Kon Plông hơn 140 ha, vượt kế hoạch của Đề án phát triển dược liệu giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, diện tích Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân khoảng 100 ha, với kinh phí thực hiện trên 13,5 tỷ đồng. Định hướng đến năm 2030, huyện phấn đấu nâng tổng diện tích dược liệu trên địa bàn đạt khoảng 2.400 ha, gắn với liên kết sản xuất, chế biến dược liệu. Ông Tín nói: “Xây dựng, phát triển chương trình dược liệu này theo chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất, Nhà nước đứng vai trò trung gian, kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm chính trong vấn đề liên kết chuỗi này. Bởi vì họ có thể họ hỗ trợ kĩ thuật được, họ cung ứng giống được, họ sẽ hỗ trợ, đảm bảo về vấn đề tiêu thụ đầu ra và thậm chí là có những doanh nghiệp lớn thì họ chế biến luôn và tiêu thụ”.

Trong thời gian tới, ngoài phát triển diện tích dược liệu trên địa bàn, huyện Kon Plông tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ gắn với xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời hình thành ít nhất 03 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn huyện; trong đó có 01 cơ sở nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống gen các loại cây dược liệu tự nhiên.

Hơ Jan- Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *