(kontumtv.vn) – Nhận thức đúng đắng về giá trị kinh tế, cũng như giá trị dược liệu của cây sâm Ngọc Linh, từ nhiều năm nay tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai các giải pháp để bảo tồn và phát triển loài sâm này. Đồng thời, xác định sâm Ngọc Linh là cây dược liệu chủ lực để phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Vườn sâm Ngọc Linh của Trung tâm Kinh doanh và Phát triển sâm Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô có diện tích 13 ha. Bảo tồn và phát triển thành công diện tích vườn sâm Ngọc Linh này, đơn vị phải mất hơn 15 năm, với nhiều đề tài, dự án được triển khai thực hiện.

Thời điểm trước 1999, việc bảo vệ và trồng sâm Ngọc Linh do Trại Dược liệu Đăk Tô, thuộc Công ty Dược Kon Tum thực hiện trên địa bàn xã MăngRi, huyện Tu Mơ Rông, với diện tích 2.000 m2. Đến 1999, công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được bàn giao cho Lâm trường Đăk Tô (nay là công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) thực hiện. Ông Hoàng Văn Chất, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: “Hồi đó Công ty Dược chủ yếu thu mua sản phẩm, việc bảo tồn chưa chú trọng. Đến năm 1999, vườn sâm được bàn giao cho lâm trường quản lý, lúc đó chỉ mới 2 sào thôi, nhưng ở độ cao 1.100 m so với mực nước biển. Ở độ cao đấy cây sâm không thể sinh trưởng và phát triển được. Công ty đã di chuyển vườn sâm lên vị trí này, với độ cao 1.700 m so với mực nước biển”.

Kon Tum đã trồng được gần 320 ha sâm Ngọc linh
Kon Tum đã trồng được gần 320 ha sâm Ngọc Linh

Từ năm 2000 đến 2004, lần đầu tiên tỉnh KonTum triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn và nhân giống sâm Ngọc Linh do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Dược liệu Hà Nội thực hiện. Kết thúc đề tài đã bảo tồn và nhân giống thành công 0,5 ha sâm Ngọc Linh. Đây là tiền đề để Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh như hiện nay. Ông Đoàn Trọng Đức, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết: “ Do giá trị về dược lý và kinh tế, cây sâm thời kỳ 1990 đến 2000 người ta khai thác có nguy cơ cạn kiệt. Do vậy vấn đề bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà khoa học. Từ 2004 đến nay, Trung tâm Giống sâm, thuộc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô duy trì và phát triển, từ cơ sở vườn sâm giống, hàng năm chúng ta thu được hạt và nhân giống để trồng”.

“ Từ năm 2004 đến 2013, Công ty đã thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, có sự tham gia của cộng đồng, đã thực hiện trên dưới 8 ha. Sau 2013 UBND tỉnh có chủ trương cho Công ty chuyển sang giai đoạn sản xuất sâm Ngọc Linh. Trong vòng 3 năm Công ty đã xây dựng, phát triển thêm 3 ha. Tổng cộng đến thời điểm này, Công ty đã phát triển trên 13 ha sâm Ngọc linh”. Ông Hoàng Văn Chất, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô nói.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu nhân giống trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, đến năm 2011 lần đầu tiên Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố diện tích 140 ha sâm Ngọc Linh mà đơn vị đã trồng và phát triển trên vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông. Từ đó đến nay, Công ty đã mở rộng diện tích trồng sâm lên 300 ha. Mô hình trồng sâm của Công ty không chỉ giải quyết bài toán về giống sâm Ngọc Linh, mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm này của tỉnh Kon Tum, là cơ sở để tỉnh KonTum xây dựng đề án đề nghị công nhận chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh.Ông Lê Đức Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum nói: “Từ việc trồng, bảo tồn phát triển thành công 300 ha giống gốc sâm Ngọc Linh, Công ty đã được UBND tỉnh quan tâm giao cho hơn 5000 ha trong vùng dự án để QLBVR kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vườn sâm, liên doanh liên kết với người dân, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho người dân, cùng với Công ty phát triển thành 1 khu tập trung sâm Ngọc Linh hàng hóa”.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng được gần 320 ha sâm Ngọc Linh. Theo quy hoạch của UBND tỉnh về phát triển sâm Ngọc Linh, đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn sẽ đạt 1.000 ha, với sản lượng ước tính 190 tấn. Đến năm 2025, sẽ mở rộng trên 9.000 ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác. Với hướng đi và lộ trình phát triển sâm Ngọc Linh theo đúng quy hoạch, hy vọng sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum và tiến tới đa dạng hóa nhiều sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

                                                                           Ngọc Hòa – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *