(kontumtv.vn) – Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Kon Tum xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, mà nạn nhân hầu hết đều là các em học sinh. Điều này gây ra không ít nỗi lo cho các bậc cha mẹ học sinh  và xã hội.

Vụ đuối nước gần đây nhất vào ngày 22/3/2016, nhóm học sinh gồm 4 em ở Trường THCS Trần Khành Dư và Tiểu học Cao Bá Quát, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum rủ nhau tắm sông Đăk Bla, khu vực thôn Kon Rờ Bàng 2. Trong lúc tắm, chẳng may em Y Yăng (13 tuổi), và em Y Jim (10 tuổi) bị sụt hố cát  và tử vong.

Trước đó không lâu, ngày 4/3/2016, tại địa bàn xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) cũng xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, đã cướp đi sinh mạng của 2 em học sinh Trường THCS Hàm Nghi là em A Xăk (14 tuổi) và em A Jim (11 tuổi).

Nguy cơ trẻ em đuối nước khi tắm sông Đak Bla
Nguy cơ trẻ em đuối nước khi tắm sông Đak Bla

Thành phố Kon Tum có sông Đăk Bla chảy qua, nhiều năm qua tình trạng học sinh tắm sông đuối nước thường xảy ra, nên ngay từ đầu năm học 2015 – 2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng với các ngành chức năng của thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ tắm sông đuối nước đến các em học sinh. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước ở học sinh vẫn diễn ra. Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH thành phố Kon Tum, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn đã có 7 trường hợp học sinh chết do đuối nước. Cô giáo Trần Thị Xuân Linh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Khánh Dư nói: “Nhà trường đã quán triệt cho các giáo viên chủ nhiệm nắm rõ sĩ số học sinh để báo kịp thời với nhà trường, nhà trường báo với gia đình để quản lý, tránh xảy ra tình trạng duối nước. Một số em gia đình vẫn cho đi làm nương rẫy, các em chưa đi học chuyên cần, nên chưa nhận được sự giáo dục của thầy cô đầy đủ. Chưa nhận thức được nên các em cũng hay ra sông, ra suối”.

Điều đáng nói là hiện nay đang bước vào mùa cao điểm của nắng nóng, khô hạn, mực nước trên sông Đăk Bla hiện rất cạn, vậy tại sao lại xảy ra các vụ tai nạn đuối nước? Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các vụ đuối nước thời gian qua đều xảy ra tại các khu vực khai thác cát, sỏi. Ông A Hậu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: “ Các vị trí đó nước khá sâu. Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc, xã có làm việc với chỉ huy công trường, đề nghị khi thi công thì cắm các biển báo cho dân tránh xa các vị trí đó. Đến nay các đơn vị vẫn chưa tiến hành cắm biển báo”.

“Để góp phần hạn chế tình trạng đuối nước, nhà trường kiến nghị các cấp, đặc biệt là địa phương, liên hệ với những công ty, cơ sở khai thác cát  phải làm đúng theo quy định về những điểm lấy cát. Thứ hai, ở những nơi lấy cát phải có biển cảnh báo cho người dân và các em. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền với học sinh, phụ huynh để tránh tình trạng các em đi tắm, hoặc qua sông không có người lớn đi cùng”. Thầy giáo Nguyễn Văn Đường, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Nghi đề nghị

Qua vụ việc trên, một lần nữa cảnh báo các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con em trong việc phòng, chống tai nạn đuối nước. Quan trọng hơn, ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh khai thác cát, sỏi không làm đúng cam kết báo cáo tác động môi trường và không lắp đặt biển báo cho người dân để phòng ngừa đuối nước khi đi qua những khu vực nguy hiểm.

                                                          Ngọc Hòa – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *