(kontumtv.vn) – Với sự quan tâm chỉ đạo và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hiện nay tình hình dịch bệnh lở mồm, long móng ở đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã cơ bản được khống chế.

Điều trị cho gia súc mắc bệnh
Điều trị cho gia súc mắc bệnh

Tính đến ngày 15/1, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 ổ dịch bệnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày. Tại huyện Đăk Glei, ổ dịch xảy ra tại xã Đăk Nhoong với 26 con trâu, bò của 7 hộ gia đình mắc bệnh, đến nay đã chữa khỏi 20 con, đang điều trị 4 con và có 2 con bò bị chết phải tiêu hủy. Tại huyện Ia H’Drai, ổ dịch xảy ra tại xã Ia Đal với 71 con bò của 18 hộ gia đình mắc bệnh, đã chữa khỏi 67 con, không có gia súc chết. Tại huyện Đăk Hà, ổ dịch xảy ra tại thôn 7, xã Đăk La với 23 con heo của 1 hộ gia đình mắc bệnh, toàn bộ số heo mắc bệnh đã được tiêu hủy. Sau khi phát hiện ổ dịch bệnh LMLM đầu tiên tại thôn Rooc Mẹt, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei vào ngày 19/12/2017, thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh đã được lực lượng thú ý, chính quyền địa phương và người dân tích cực triển khai thực hiện và đến nay đã cơ bản khống chế được dịch. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh KonTum cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi cùng với UBND xã chỉ đạo Trạm Thú y với lực lượng thú y cơ sở tiến hành tiêu hủy đối với heo, còn 2 ổ dịch còn lại, đến nay chúng tôi đã cử cán bộ và trực tiếp lãnh đạo xuống chỉ đạo công tác chống dịch tại 2 địa phương Đăk Glei và Ia H’Drai. Hiện tại, qua 15 ngày, không có gia súc mới phát sinh và hiện nay 2 ổ dịch này đã được khống chế”.

Hiện nay, tuy các ổ dịch bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, nhưng theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vẫn có nguy cơ bùng phát rất cao do điều kiện thời tiết bất lợi, lạnh rét kéo dài; điều kiện chăn nuôi ở các vùng sâu, vùng xa còn tình trạng thả rông, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng không đảm bảo. Đặc biệt, vào thời điểm chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm của nhân dân rất là lớn, cho nên việc mua bán, vận chuyển gia súc từ nơi khác đến địa bàn tỉnh rất nhiều. Để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, như tiêm phòng vắc xin đầy đủ, chăn nuôi có chuồng trại, che chắn chống rét cho đàn gia súc. Đồng thời bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

                     Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *