(kontumtv.vn) – Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số địa phương trong tỉnh, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, gần đây trên địa bàn huyện Đăk Tô và huyện Sa Thầy có xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, xin bác sĩ cho biết ngành Y tế đã và sẽ làm gì để ngăn chặn dịch bệnh này?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Ngành y tế đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị và phối hợp với các địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế các ổ dịch, nhất là chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình các ổ dịch bệnh, hạn chế đi lại, giám sát tiếp xúc và cách ly điều trị dự phòng, khoanh vùng và xử lý ổ dịch bệnh kịp thời. Chúng tôi tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh bạch hầu và các trường hợp nghi ngờ. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng.  Triển khai khử trùng tiêu độc tại các xã có ca bệnh. Chúng tôi tiến hành cấp kháng sinh elithromixin cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Chúng tôi cũng triển khai công tác truyền thông, chuẩn bị tốt công tác điều trị bệnh nhân để hạn chế tử vong. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin TG, tức là vắc xin bạch hầu và uốn ván cho đối tượng từ 7-35 tuổi để tạo miễn dịch trong cộng đồng.

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV
Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa bác sĩ,  tại sao gần đây dịch bệnh bạch hầu lại xuất hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là xuất hiện tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Số mắc đa số tập trung ở người địa phương, lý do là  từ năm 1991 chương trình tiêm chủng quốc gia chưa triển khai đến 100% số xã mà chỉ có 34/64 xã phường, đạt tỉ lệ 53% thôi. Trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chỉ đạt 50% thôi. Còn lại 50% chưa được tiêm thì chưa được tạo miễn dịch trong cộng đồng. Chính vì vậy đến giờ này những đối tượng mắc bệnh bạch hầu là hầu như không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Thứ hai về công tác vệ sinh môi trường tại địa bàn đó chưa được tốt cũng như ở vùng sâu, vùng xa quá công tác tiêm chủng mặc dù triển khai quyết liệt nhưng hàng năm vẫn còn sót lại khoảng 3%.

PV: Thưa bác sĩ, trong thông cáo của Sở Y tế về bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nội dung là người lành mang trùng, xin bác sĩ cho biết cụm từ người lành mang trùng được hiểu như thế nào và người lành mang trùng có lây lan bệnh bạch hầu cho cộng đồng hay không?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Người lành mang trùng tức là khi có trường hợp dương tính rồi thì mình tiến hành lấy mẫu điều tra đối với người tiếp xúc với người xác định mắc bệnh bạch hầu và những hộ lân cận thì mình phát hiện ra người lành. Người lành mang trùng mình hiểu rằng họ không có triệu chứng lâm sàng, không có biểu hiện sốt hoặc viêm họng hoặc sưng hạch, không có biểu hiện giả mạc trong họng cho nên chưa có biểu hiện lâm sàng gì hết thì ngành Y tế phát hiện sớm và đưa vào khu vực cách ly để điều trị dự phòng cho bệnh nhân. Đối với đối tượng người lành mang trùng như thế này thì người dân yên tâm vì khi ngành Y tế phát hiện đều đưa vào điều trị cách ly và không có cơ hội lây lan ra cộng đồng.

PV: Thưa bác sĩ, quá trình điều trị bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngành Y tế có gặp khó khăn gì hay không?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Hiện nay tình hình điều trị bệnh nhân bạch hầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng không gặp nhiều khó khăn, công tác điều trị trên địa bàn tỉnh làm rất tốt, từ đầu năm đến nay không có trường hợp tử vong do bạch hầu. Ngành Y tế cũng tập huấn phát đồ điều trị cho các cơ sở Y tế cũng như ngành Y tế đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dự trữ đầy đủ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị cho bệnh nhân.

 PV: Xin chân ơn bác sĩ đã tham gia chương trình.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *