(kontumtv.vn) – Đẩy mạnh triển khai Chương trình 72, ngày 28/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum trong thực hiện Nghị quyết số 28, ngày 23/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2021, hơn 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 41.000 người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ hơn 14% dân số; trong đó, trên 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Thành phố Kon Tum là địa phương có số người tham gia BHXH đông nhất với gần 20.000 người, đạt 18% lực lượng lao động. Trên thực tế, lượng người tham gia BHXH tuy tăng qua các năm nhưng không đều, nhất là ở nhóm đối tượng đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa. Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân khó khăn, trình độ dân trí không được cao vì vậy người ta chỉ lo thu nhập, làm có dư thì tiết kiệm, chưa có ý thức mua thẻ BHYT hay là tham gia BHXH tự nguyện để cho tuổi già mình được hưởng lợi từ chính sách này và khi mình đau ốm thì có Qũy BHYT chi trả. Vì vậy mà chúng tôi đã có nhiều giải pháp trong quá trình thực hiện trong nhóm đối tượng này, nhưng kết quả trong năm 2018 thì độ bao phủ ở vùng sâu, vùng xa chưa tăng lên”.

Người tham gia BHXH tại Kon Tum chưa cao
Tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tại Kon Tum chưa cao

So với BHXH, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh trong năm vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, gần 90% dân số tỉnh có thẻ BHYT, vượt khoảng 02% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến cuối năm 2018, gần 278.000 người nghèo, hơn 12.400 người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đạt tỷ lệ 100%. Có thẻ bảo hiểm y tế, bà con quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nói: “Trước kia, bệnh nhân thường mức độ quá nặng mới đến bệnh viện, nhiều khi điều trị chưa hết liệu trình thì bệnh nhân vì khó khăn về thời gian điều trị cũng như điều kiện kinh tế khó khăn thì họ muốn quay về đi làm cho dù là chưa hết liệu trình. Nhưng giờ những trường hợp đó ít xảy ra hơn. Bệnh nhân thường điều trị đủ liệu trình, bác sĩ cho xuất viện thì mới về. Bệnh nhân tái khám thì những đối tượng này cũng quay lại tái khám theo đúng yêu cầu chuyên môn”.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, ngày 21/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chương trình số 72 nhằm đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 28, ngày 23/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2021, hơn 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trên 14% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 32% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội… Để đạt được kết quả này, hiện nay, cùng với các cơ quan, ban ngành, địa phương, Bảo hiểm xã hội tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, nhất là hướng đến những nhóm đối tượng đặc thù. Ông Trần Văn Lực cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan thuế, Sở KH&ĐT để khai thác, nắm bắt số lao động ở trong các doanh nghiệp mà chưa tham gia BHXH đồng thời tổ chức đối thoại với lao động, với chủ sở hữu lao động thông qua phối hợp với Bưu điện tỉnh cùng các đoàn thể như Sở LĐ,TB&XH, Hội Phụ nữ, chúng tôi cũng có nhiều kênh để vận động đối tượng tham gia BHXH; đồng thời cũng vận động tham gia BHXH tự nguyện với mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH chỉ có con đường là tăng BHXH tự nguyện, đồng thời mở rộng thêm nhóm đối tượng ở các doanh nghiệp”.

Cùng với tập trung tuyên truyền, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, tăng cường công tác quản lý nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *