(kontumtv.vn) – Được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại từ năm 2005, những năm qua, công tác quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Kon Tum đã có nhiều chuyển biến và đi vào đời sống trong cộng đồng.

Hội thi Cồng chiêng xoang học sinh lần thứ 2 năm 2017 do ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức so với lần đầu  vào năm 2016 không chỉ tăng về quy mô số lượng đội tham gia mà có sự chuẩn bị chu đáo và chất lượng hơn hẳn. Với gần 1.000 em học sinh đến từ 17 đơn vị trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú tại các huyện, thành phố trong tỉnh, Hội thi đã quy tụ được nhiều tài năng cồng chiêng xoang trẻ; tái hiện lại không gian nhiều lễ hội văn hóa, với đa dạng các sắc thái của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Cô Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh là rất muốn được tổ chức. Điều đó cho thấy sự lan tỏa đối với các em học sinh, chính các em đã thấu hiểu được cái văn hóa của mình. Qua đó thấy được một điều là sức lan tỏa không chỉ đối với học sinh mà đến được với cộng đồng, nơi các em sinh sống”.

KON TUM NO LUC BAO TON DI SAN VAN HOA CONG CHIENG

Để giúp các em hiểu biết và đam mê các loại hình văn hóa dân gian, nhất là văn hóa cồng chiêng, di sản văn hóa của nhân loại, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhà trường, còn có sự tham gia đóng góp tích cực của các nghệ nhân trong cộng đồng. Chính họ đã truyền lại niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và cả sự hiểu biết trong cách đánh, cách chơi cồng chiêng cho thể hệ trẻ. Nhiều nghệ nhân tuy tuổi đã cao nhưng vẫn luôn nhiệt tình truyền dạy cho các em, bất kể ngày hay đêm. Nghệ nhân A Biu (xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum) nói: “Đây cũng do sự đam mê của mình phối hợp với nhà trường cho nên rất thành công. Từ khi tập luyện cho mấy em, mấy em rất thích”.

Cùng với việc vận động, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, thời gian gần đây, UBND tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các địa phương đã khuyến khích việc phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống tại cộng đồng, cũng như tổ chức các hội thi, liên hoan cồng chiêng, gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn. Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum nói: “Trong những năm qua, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động như tổ chức các đợt liên hoan, hội diễn rồi phục dựng lại các lễ hội truyền thống; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, đan lát, nghề dệt truyền thống,… Đến nay đã có 87 lớp truyền dạy cồng chiêng và hàng ngàn em là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tại cộng đồng”.

Qua các hoạt động đã góp phần quảng bá, giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Ông A Phất, Đội Công chiêng thôn Đăk Gô (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) tự hào: “Thời gian đi tham gia ở Đồng Mô, ông già thấy cái tiếng cồng chiêng của dân tộc rất quí. Khi biểu diễn thì khách nước ngoài, khách trong nước họ đến nhà rông Giẻ Triêng Đồng Mô chật hết người, họ trèo lên cao, họ chụp ảnh, quay phim đủ thứ hết, cho nên tôi thấy, tiếng chiêng goong là thứ quí nhất của dân tộc Giẻ”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ gần 2 nghìn bộ cồng chiêng các loại. Hầu hết các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đều có từ 1 đến 4 đội chiêng xoang. Các hoạt động biểu diễn cồng chiêng xoang được duy trì và tổ chức thường xuyên hơn trong cộng đồng, đặc biệt là đã được đưa vào trong trường học. Đây là một trong những cách làm hay, có hiệu quả để không gian văn hóa cồng chiêng, di sản của nhân loại mãi luôn trường tồn và vang xa.

   Quang Mẫn – Thanh Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *