(kontumtv.vn)- Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo. Qua đó góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng các giải pháp, mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn. Trong giai đoạn 2017-2018, tỉnh đã triển khai 04 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa các huyện, thành phố, như dự án chăn nuôi dê sinh sản tạo sinh kế giảm nghèo bền vững; dự án hỗ trợ bò cái sinh sản, nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chăm sóc cà phê bằng chế phẩm phân bón sinh học bảo vệ môi trường tạo sinh kế giảm nghèo bền vững… Các dự án triển khai đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Ông A Ber (thôn Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) nói: “Trồng cà phê để xóa đói giảm nghèo là mình tự lực cánh sinh, để bà con xóm làng cũng đi theo hộ mình đây, để xóa đói giảm nghèo bền vững, tự cải thiện đời sống của mình. Ai cũng có một nhận thức, nếu có vườn tược thì lo làm cây công nghiệp. Bây giờ gia đình tôi được 900 cây cà phê, tôi thấy cà phê cũng trái nhiều, mình ham  lắm, nếu có đất đai mình làm tiếp cà phê nữa”.

Phát triển kinh tế vườn vùng đồng bào DTTS
Phát triển kinh tế vườn vùng đồng bào DTTS

“Để tạo chuyển biến vươn lên thoát nghèo cho người dân trên địa bàn, huyện đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân hiểu rõ hơn về vấn đề xóa đói giảm nghèo, tổ chức tuyên truyền cho người ta biết được tận dụng các nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH để làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng các chương trình, chính sách của Nhà nước thực hiện trên địa bàn đã tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tộc trên địa bàn huyện”. Ông Pờ Ly Hảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết.

Riêng trong giai đoạn 2017-2018, tổng kinh phí thực hiện Đề án Giảm nghèo tại tỉnh khoảng 6.458 tỷ đồng. Việc phân bổ nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Đến nay, 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; tỷ lệ km đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông – Vận tải đạt 53%; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; tất cả 86 xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho các địa phương triển khai công tác giảm nghèo đạt kế hoạch đề ra. Bà Y Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Huyện tập trung các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất của người dân. Tập trung các nguồn lực hỗ trợ chính sách đối với hộ nghèo, người dân sống vùng khó khăn, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, hiện nay huyện cũng xây dựng một số mô hình như mô hình hỗ trợ mua bò cho người nghèo và cận nghèo đồng bào DTTS sống vùng khó khăn theo Chương trình 293, Chương trình 135, Quyết định 755, 33 của Chính phủ”.

Thông qua các nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo,  bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 3,56%/năm, từ hơn 26% vào đầu năm 2016 xuống còn hơn 20% vào cuối năm 2017, đạt hơn 101% so với kế hoạch. Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo. Với những giải pháp phù hợp, tin rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *