(kontumtv.vn) – Để hiểu rõ tình hình thực hiện Quyết định số 523 ngày 3/10/2016  của UBND tỉnh Kon Tum về phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã phỏng vấn bà Đường Hồng Luân, Phó Giám đốc Chi cục Môi trường, Sở TN&MT tỉnh về vấn đề này.

PV: Thưa bà, Sở TN&MT là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện Quyết định số 523 ngày 3/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Xin bà cho biết, đến thời điểm này, tỉnh Kon Tum đã có những kết quả nổi bật nào trong triển khai mục tiêu cụ thể đến năm 2020?

Bà Đường Hồng Luân trả lời phỏng vấn của PV
Bà Đường Hồng Luân trả lời phỏng vấn của PV

Bà Đường Hồng Luân: Triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 523 ngày 03/10/2016. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả nổi bật như thành lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Chư Mom Ray; triển khai 49 đề tài, dự án khoa học và công nghệ tập trung vào lĩnh vực bảo tồn, thử nghiệm và nhân giống các cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao để đưa vào sản xuất cải thiện đời sống của người dân. Cụ thể như là lĩnh vực nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm trên 25 giống các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để đưa vào phục vụ sản xuất tại các địa phương. Trong công tác chọn tạo giống đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng trong việc tuyển chọn, phục tráng, sản xuất các giống cây trồng để đưa vào sản xuất. Trong chăn nuôi đã tập trung công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống và đưa vào sản xuất các giống mới trong chăn nuôi.

PV: Thưa bà, đến thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Quyết định số  523 ngày 3/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum như thế nào?

Bà Đường Hồng Luân: Để kịp thời phục vụ công tác khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh một cách thống nhất nhằm phát triển kinh tế xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đóng góp vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia nói riêng và cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường nói chung. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề cương đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum  nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 56  ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh Kon Tum và Quyết định số 523 ngày 03/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về việc Phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp Cục Bảo tồn đa dạng sinh học xây dựng Hồ sơ đề cử Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh trở thành Vườn di sản ASEAN. Hiện nay đã được đoàn công tác tiến hành kiểm tra, xác thực và thu thập thông tin vào tháng 5/2018. UBND tỉnh đã cam kết thực hiện Chương trình tài trợ nhỏ về Vườn di sản ASEAN. Hiện hồ sơ đề cử đã trình cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định.

PV: Thưa bà, đâu là những khó khăn trong việc triển khai Quyết định số 532 ngày 3/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum vào thực tiễn?

Bà Đường Hồng Luân: Khó khăn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh phải nói đến đó là nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh Kon Tum còn rất hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum còn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai là tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái phép các loại lâm sản, động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm chưa được ngăn chặn triệt để, vẫn còn là vấn đề nan giải trong việc chấp hành luật pháp hiện nay. Thứ ba là  sự phát triển kinh tế xã hội là một sức ép lớn đối với lĩnh vực đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa bà, trước những khó khăn, cơ quan thường trực là Sở TN&MT có đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết những  khó khăn thế nào?

Bà Đường Hồng Luân: Đề xuất những giải pháp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian  đến về phía ngành có động thái như tăng cường công tác truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học đến mọi tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn đa dạng sinh học. Thứ hai là tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách tạo sinh kế  gắn với bảo vệ rừng cho người dân tộc thiểu số sống gần rừng nhằm giảm sự tác động vào rừng tự nhiên. Thứ ba là bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà đã tham gia chương trình.

Văn Hiển – Đức Thắng

                                       

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *