(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trước thực trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã, đang và sẽ làm gì để ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh.

PV: Xin ông cho biết, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đã tác động đối với nông nghiệp và thực trạng mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tỉnh như thế nào?

Ông Trần Văn Chương: Kon Tum là tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Tình hình hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hiện tượng Elnino trong vụ đông xuân 2015 – 2016 đã làm  cho 4.447 ha cây trồng bị hạn, (trong đó mất trắng 1.330 ha; bị giảm năng suất 2.864 ha), 107 công trình nước sinh hoạt, 8.652 giếng nước bị khô cạn, thiệt hại khoảng trên 192 tỷ đồng.

PV: Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh có kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?

Ông Trần Văn Chương trả lời phỏng vấn của PV
Ông Trần Văn Chương trả lời phỏng vấn của PV

Ông Trần Văn Chương: Để ứng phó với biến đổi khí hậu tác động đến nông nghiệp, ngành đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 314/QĐ-UBND ngày 9/4/2012 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở đó, ngành đã ban hành kế hoạch hành động, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu theo từng lĩnh vực chuyên môn để ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản. Về Lâm nghiệp, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, nhằm đạt mục tiêu độ che phủ rừng theo kế hoạch đề ra. Trong trồng trọt và chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tiết kiệm nước.Về Thủy lợi, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình hồ đập phục vụ sản xuất và dân sinh.

PV: Vậy để thực hiện kế hoạch ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu như ngành đã xác định, trong thời gian tới ngành sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì?

Ông Trần Văn Chương: Một số giải pháp trọng tâm thực hiện của ngành như: Triển khai quyết liệt Nghị quyết 02, ngày 30/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết 64 ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp công  nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh, để có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, có năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Tích cực thực hiện dồn đổi tích tụ ruộng đất; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn đối với một số cây trồng chủ lực như mía, sắn, rau hoa, cà phê…Ưu tiên nhiệm vụ trồng rừng và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt và chăn nuôi. Chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện khắc nghiệt, sử dụng cây trồng có nhu cầu sử dụng nước ít hơn như chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, sắn, cây hàng năm khác trên đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới, đồng thời sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm…

PV: Vâng xin cảm ơn ông! 

 Thanh Tùng – Quang Mẫn

                                                                       

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *