(kontumtv.vn) – Tranh luận sôi nổi, trí tuệ, dân chủ và trách nhiệm là không khí thảo luận tại các tổ trong 1,5 ngày qua tại kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum lần thứ 9, nhiệm kỳ 2016-2021.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến và đề nghị bổ sung nhiều nhất đó là dự thảo Nghị quyết về Đề án cho vay tiêu dùng và mở rộng đối tượng cho vay sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đại đa số các đại biểu đồng thuận về tính nhân văn của đề án này. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của để án nếu chưa được xem xét, bổ sung kỹ càng. Đại biểu HĐND tỉnh Võ Thanh Chín, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum nêu ý kiến: “Còn có ý kiến cho rằng thôi cứ nghiên cứu bổ sung tiếp thu rồi UBND mong được HĐND biểu quyết rồi quá trình biểu quyết có gì điều chỉnh. Không phải, tất nhiên là điều chỉnh  nhưng nghị quyết của HĐND tỉnh đưa ra phải chắc, trong quá trình thực hiện tất nhiên có chỗ này chỗ kia, thế nhưng cứ nói thông qua rồi để sửa lần đầu thì không được. Theo tôi đã nói một đề án thì phải làm phải chắc chắn, nếu không làm bể ra thì quy trách nhiệm rồi chịu trách nhiệm là rất khó”.

HDND TINH DANH 1 NGAY RUOI DE THAO LUAN

Về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Trung Hải, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng cần phải xem xét lại đối tượng cho vay nếu người gặp hoàn cảnh khó khăn không phải do rủi ro mà do tệ nạn xã hội, bài bạc, đánh số đề gây nên: “Đề án này thực sự rất là nhân văn, nhân văn ở chỗ không để ai bị bỏ rơi phía sau. Anh kinh doanh bình thường như thế này lỡ anh gặp tai nạn mà vì tai nạn anh vay nóng thì giải quyết được việc này. Nhưng trường hợp đó rất là ít. Riêng đề án này tôi cũng đang lo lắng. Theo tôi riêng đề án này phải bàn luận chặt chẽ hơn trước khi tổ chức thực hiện. Tới khi chúng ta tổ chức thực hiện rồi không hiệu quả sau này xảy ra chúng ta rất khó rút lại. Đối tượng này các đồng chí đưa ra như thế này là đối tượng trong thực tiễn rất là khó đòi, trong quá trình cho vay rồi tôi nghĩ không bao giờ đòi được”.

Về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường nhiều đại biểu cho rằng nếu không có kế hoạch hợp lý trong việc giải tỏa đền bù, hỗ trợ đất sản xuất, giải quyết việc làm trong các dự án sắp đến, đặc biệt là nếu không giải quyết dứt điểm các tồn đọng liên quan đến đất đai, giải tỏa đền bù thì sẽ phát sinh thêm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Đại biểu Trần Bá Tuấn, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nói: “Những vị trí nào thấy thiệt hại về đất sản xuất, đất ở của dân thiệt hại nhiều quá chúng ta cũng nên dừng nên rút đề nghị Bộ Công Thương không phê duyệt đầu tư tiếp. Tôi thấy thủy điện ảnh hưởng vô cùng, đất đai của dân bị mất hết mất tư liệu sản xuất và người ta làm nông giờ đền bù và là tái định canh nhưng mà chỉ đất người ta người ta không làm được, đất đá sỏi đồi dốc. Người ta không nhận được đất người ta quay ra nhận tiền tiền người ta tiêu vài hôm cũng hết. Có thể mảnh đất sống đời này qua đời khác nhưng đền bù thì đền bù đất nông nghiệp cũng ba cọc ba đồng mà ảnh hưởng lớn xã hội sau này phải gắn vệ môi sinh môi trường vấn đề an sinh xã hội sau này, cho nên tiếp tục rà soát và cắt giảm các đầu tư tôi thấy dự án thủy điện nào cũng thế, cứ tỉnh huyện xã phải đi giải quyết suốt ngày khiếu kiện khiếu nại rất phiền hà”.

Lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, đại biểu Nguyễn Trung Hải yêu cầu cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm vấn đề kiểm tra, xử lý vi phạm vì hiện nay người dân rất bức xúc: “     Chúng ta trực quan thôi chứ đừng nói loại A loại B. Loại A người ta làm để đối phó thôi chứ không phải người ta kiên trì làm lâu dài đâu. Nếu làm loại A không bao giờ vô nghe mùi nhưng cứ vô nhà máy sắn ở Sa Thầy, tôi đi ngang đó mấy lần mùi hôi rình. Tôi khẳng định đó không phải là loại A. Nhưng có một cái ở đây khi kiểm tra nghe đoàn kiểm tra thành lập có quyết định rồi là ổng đưa về hệ thống xử lý của ông lúc này nước có thể ra loại A”.

Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã thảo luận, góp ý, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực như thu hồi nợ đọng thuế, giải quyết ý kiến cử tri, giải quyết việc làm, tuyển dụng nâng ngạch công chức – viên chức, phòng chống tội phạm, kiểm soát giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về mục tiêu thu ngân sách đạt 3.505 tỉ đồng và tăng trưởng kinh tế đạt 12% trong năm 2020 do UBND tỉnh đề ra. Tiếp thu và giải trình về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa khẳng định, tăng trưởng của tỉnh Kon Tum là có tính bền vững, là thành quả phát triển của nhiều lĩnh vực trong thời gian qua và không phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ khai thác quỹ đất. Vì vậy mục tiêu thu ngân sách do UBND tỉnh đặt ra là trong tầm tay. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa cho biết: ”Chỉ cần thu từ thủy điện vượt 5 đến 7% thì số tiền đó rất lớn, tiền đất chưa bao nhiêu đâu, nói thế thôi chứ các dự án năm 2019 này mình bán đấu giá đưa vào trong ngân sách chưa có bao nhiêu hết, nó vượt trong đó có nhiều yếu tố yếu tố, thứ nhất là khi chúng ta đưa nghị quyết của Tỉnh ủy về vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào cũng làm cho lượng hàng hóa về nông nghiệp chúng ta tăng đột biến”.

Với tổng số hơn 50 lượt ý kiến trong thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã góp ý nhiều nội dung quan trọng vào những vấn đề trọng tâm của tỉnh Kon Tum tại kỳ họp. Đây là cơ sở để kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 9, khóa XI thông qua được những nội dung, Nghị quyết phù hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh Kon Tum phát triển trong thời gian đến.

Ngày 6/12, HĐND tỉnh Kon Tum tiếp túc làm việc tại hội trường và thực hiện các nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Đài PT-TH Kon Tum sẽ truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, trả lời chất vấn vào 7h 30 sáng 6/12 và buổi chiều là phiên bế mạc kỳ họp. Mời quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.

Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *