(kontumtv.vn) – 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 20-7-1954, nhưng kỷ niệm về sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước vẫn còn tràn đầy trong ký ức của nhiều cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, góp phần công sức của mình  tạo nên dấu mốc lịch sử quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Những nhân chứng của lịch sử ngày ấy sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về khí thế hào hùng của quân và dân ta trong thời điểm đó.

Năm nay đã 85 tuổi, sức đã yếu, thời gian đã làm cho người cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Măng Đen – Kon Tum trong giai đoạn 1952-1954 quên đi nhiều thứ trong cuộc sống. Thế nhưng, ký ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ, trận chiến  đã  tạo thế vững vàng cho đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ thì vẫn còn vẹn nguyên trong người lính già – ông  Nguyễn Ngọc Cư (tổ dân phố 2, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum). Ông Cư nhớ lại: “Hồi đó Quân ủy lệnh trên khắp các chiến trường phải chia giặc ra mà đánh, không cho nó tập trung vào một vào một chỗ. Lúc bấy giờ muốn đánh sào huyệt địch ở Quân khu 5 thì phải đánh thẳng Măng Đen, vì Măng Đen là tiền đồn cửa ngõ mà. Lúc bây giờ địch nó thách thức, bao giờ không có cây, cây không có lá, nước sông re chảy ngược thì mới lấy được Măng Đen”.

Ký ức về Hiệp định
Ký ức về Hiệp định Giơ-ne-vơ sống mãi với các cựu chiến binh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết định. Từ năm 1952, quân và dân ta càng chiến đấu càng trưởng thành và lớn mạnh. Nhờ có đường lối chiến tranh nhân dân, quân và dân ta từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ, đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ với thế thắng, thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp chiến trường Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Cư kể: “Tiến triển lúc bây giờ là trên các chiến trường vẫn còn đang đánh nhau, đánh dồn dập. Khi có lệnh đình chiến rồi thì tâm tư cán bộ chiến sỹ lúc bây giờ rất phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách kế hoạch đó. Cho nên sau đó có tin tức về Hiệp định này  thì cán bộ, chiến sỹ, nhân dân rất phấn khởi”.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Hội nghị Giơ-ne-vơ trải qua 75 ngày với 31 phiên họp. Trong đó, có những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam, cụ thể là: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự ở sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam, cấm xây dựng căn cứ quân sự mới.  

Ông  Đinh Xuân Hương (tổ dân phố 2, phường Lê lợi, thành phố Kon Tum) từng là chiến sỹ của Tiểu đội chiến đấu, Đại đội 1, Trung đoàn 120, đóng quân ở vùng ven thị xã Gia Lai – Kon Tum cũ  trong giai đoạn 1952-1954 vẫn nhớ như in cảm xúc của quân và dân khi nghe tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ông Hương nhớ lại: “ Hồi chúng tôi nghe cấp trên phổ biến Hiệp định Giơ- ne-vơ đã ký xong rồi, nước ta chia làm 2 miền, lấy Vỹ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời, thì lúc bây giờ thanh niên chúng tôi, những người lính thì cũng mừng,  không còn đổ máu nữa, nhân dân sống trong hòa bình. Lúc đình chiến rồi bộ đội đi đâu thì đồng bào dân tộc, gia đình họ có cái gì họ đem cho cái nấy, nhất là rượu cần, họ đem ra cho uống, họ nói là bây giờ anh em đi thì cố gắng về thăm nhé”.

Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

                                                                     Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *