(kontumtv.vn) – Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạt nhiều kết quả tích cực trong sự nghiệp trồng người.

Đến nay, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Toàn tỉnh hiện có 55 trường phổ thông Dân tộc bán trú và 9 trường phổ thông Dân tộc nội trú. Học tập tại trường, các em học sinh DTTS ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ về gạo, tiền ăn, tiền nhà ở, đồ dùng học tập theo Nghị định 116 và 86 của Chính phủ. Cô giáo Y Hải, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei nói: “Học sinh được hưởng chế độ 116 thì học sinh được ăn bán trú và được hưởng nhiều nguồn từ 116 này thì chúng tôi cảm nhận được là công tác duy trì sĩ số được tốt lên, học sinh được ăn, được ở, được vui chơi. Học sinh yên tâm, được ăn uống đảm bảo đủ về chất, tại vì nấu ăn theo khẩu phần quy định, thay đổi khẩu phần ăn liên tục. Ví dụ một ngày hôm nay ăn thịt, ngày mai ăn cá, ngày mốt ăn thứ khác, rau cũng vậy. Học sinh yên tâm đi học đều, tiếp nhận kiến thức đồng đều hơn, nâng cao chất lượng”.

giao duc dao dao co nhieu

Cô giáo Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: “Chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định. Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Kon Tum có 90,32% học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp. Trong đó, có 17 học sinh DTTS  học sinh đạt điểm cao và đã được tỉnh Kon Tum khen thưởng. Tỷ lệ học sinh DTTS trúng tuyển vào trường đại học, cao đẳng ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, cơ sở vật chất các trường có HS DTTS như trường PTDTNT, PTDTBT được tăng cường; điều kiện nuôi, dạy, chăm sóc các em học sinh DTTS ngày càng tốt hơn. Các chế độ, chính sách cho cán bộ QLGD, giáo viên, nhân viên và học sinh, kịp thời để phục vụ cho giáo dục HS DTTS”.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào, cuộc vận động lớn của ngành được triển khai thiết thực trong các cơ sở giáo dục.

Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được duy trì, củng cố. Đến nay, toàn tỉnh có 153 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó  có 39 trường mầm non, 72 trường tiểu học, 33 trường THCS có và 9 trường THPT. Công tác xã  hội hóa giáo dục tạo được sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội.

 Ngoài việc tổ chức nghiêm túc việc học tập trên lớp, ngành GD&ĐT tỉnh đã tăng cường công tác giáo dục thể chất, rèn luyện kỹ năng sống nhằm giúp các em học sinh phát triển toàn diện. Cô giáo Châu Thị Bông, Hiệu trưởng Trường Mầm non THSP tỉnh nói: “Ngoài những hoạt động chính trong nhà trường thì nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, đó là cho trẻ trải nghiệm trong thực tiễn như thăm bảo tàng, ngục Kon Tum, thăm các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh và tổ chức các lễ hội như lễ hội mùa xuân, các ngày hội chủ đề như 22/12, 20/11 để giúp trẻ trải nghiệm thực tiễn và tạo thêm cho trẻ có nhiều kỹ năng sống trong thực tiễn, giúp trẻ phát triển tốt hơn”.

Những năm học qua, chất lượng học sinh các cấp học, bậc học có sự chuyển biến rõ nét, tích cực. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của tỉnh đạt 95,9%, tăng 1,1% so với năm 2017.

Đối với giáo dục đại học và cao đẳng, các trường trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc đào tạo gắn với nhu cầu việc làm thực tiễn của xã hội; chú trọng liên kết với doanh nghiệp, tổ chức để tăng cường kỹ năng cho sinh viên, giúp các em có đầy đủ kiến thực, kỹ năng và phương pháp làm việc sau khi ra trường.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian đến, ngành GD&ĐT tỉnh tập trung duy trì và phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đồng thời đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Cô giáo Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết thêm: “Về đổi mới căn bản, toàn diện trong thời gian đến, giáo dục tỉnh Kon Tum có những nhiệm vụ sau. Về Giáo dục mầm non sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đặc biệt là đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đối với Giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1 bắt đầu thực hiện vào năm học 2020-2021; đổi mới về công tác thi, đánh giá kết quả học tập của các em; chú tâm vào tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt là  triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông. Đối với giáo dục chuyên nghiệp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo”.

Những kết quả tích cực của ngành GD&ĐT tỉnh đã góp phần tích cực vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển ổn định và bền vững.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *