(kontumtv.vn) – Những năm qua, việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) phát triển.

Trường Tiểu học xã Đăk Kan là một trong những trường có chất lượng dạy và học tốt trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu, phấn đấu có nhiều giờ dạy tốt… Giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức, nhà trường thực hiện phương pháp mới phân luồng học sinh trong lớp học, từ đó giáo viên sẽ xây dựng giáo án giảng dạy thích hợp, phát huy tối đa khả năng của học sinh. Ngoài ra, nhà trường áp dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động dạy và học; phát huy mô hình trường học mới VNEN nhằm nâng cao kỹ năng thảo luận, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự quản của học sinh. Cô giáo Phạm Thúy Hằng, gióa viên nhà trường nói: “Chúng tôi cũng được nhà trường tổ chức tập huấn cũng như dạy phân hóa các em học sinh để đạt mục tiêu bài học theo chuẩn kiến thức và theo năng lực từng em học sinh. Chẳng hạn như các em học sinh năng khiếu, sau khi học xong bài học trong tài liệu học thì giáo viên sẽ cho làm thêm những bài nâng cao. Còn đối với những em hạn chế về năng lực học tập thì giáo viên sẽ quan tâm thường xuyên hơn trong tiết học và sẽ đưa ra những câu hỏi để các em dần dần nắm được kiến thức bài học và làm được những bài học đơn giản”.

Mô hình trường học Vnen được triển khai
Mô hình trường học VNEN được triển khai tại  nhiều trường ở Ngọc Hồi

“Nhờ những hoạt động như vậy mà trong những năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường rất ổn định. Chất lượng mũi nhọn của nhà trường ngày được nâng cao, được Phòng Giáo dục và chính quyền địa phương ghi nhận”. Cô giáo Đinh Thị Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Kan cho biết thêm.

Những năm học gần đây, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này trường đã tập trung rất nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt là phân hóa đối tượng học sinh theo lớp học. Trong lớp học thì có em học tốt, có em học chưa tốt, giáo viên phải soạn bài thật chi tiết để làm sao giảng dạy cho phù hợp. Thứ hai, để nâng cao chất lượng dạy học, để các em học sinh không bỏ học, nhà trường tổ chức các lớp ngoại khóa, cũng như tổ chức cho các em trò chơi dân gian, rồi múa hát dân vũ, tập cho các em các môn trí tuệ như cờ vua, cờ tướng. Ngoài ra, nhà trường chú trọng đến công tác bồi  dưỡng cán bộ, thành lập tổ xuống tư vấn để xuống từng lớp tư vấn sau các lớp dự giờ. Qua đó, giáo viên rút những kinh nghiệm, học sinh thì có thể học hỏi từ bạn”.

Năm học 2016 – 2017, huyện Ngọc Hồi có 14 trường tiểu học, với 1.405 lớp học, gần 3.400 học sinh. Các trường tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 chương trình: Mô hình trường học VNEN, chương trình tiếng Việt – Công nghệ giáo dục và dạy học theo chương trình hiện hành. Hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện cấp tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh…Thầy giáo Ngô Tấn Quyết, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi nói: “Đối với bậc tiểu học, thực hiện 100% các trường dạy ngoại ngữ. Phòng đã chỉ đạo 14/14 trường thực hiện thí điểm dạy ngoại ngữ. Việc đổi mới phương pháp dạy học, Phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt và thực hiện khung phân phối chương trình phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng học sinh, phát huy năng lực cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi. Ví dụ như cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn. Thông qua các cuộc thi này 1 mặt bổ sung kiến thức, 1 mặt nữa là rèn luyện các kỹ năng khác cho học sinh”.

Ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do ngành và địa phương phát động; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên;  đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển mạnh mẽ giáo dục tiểu học, tạo nền móng cho sự phát triển ở các bậc học tiếp theo.

                                                                                     Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *