(kontumtv.vn) – Được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng, dãy núi Ngọc Linh thuộc địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là vùng rất thích hợp để trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường sinh thái rừng bền vững. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với các loài sâm giả vào địa bàn để bảo tồn và phát triển loài dược liệu rất quý hiếm này.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu, chỉ có thể sinh sống và phát triển tốt ở khu vực đảm bảo phù hợp đầy đủ các tiêu chuẩn về độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng và có rừng nguyên sinh bao phủ. Tiến sỹ Lương Đức Toàn, Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa nói: “So với các vùng khác thì Kon Tum cũng như Quảng Nam có lợi thế là vùng núi Ngọc Linh được thiên nhiên ưu đãi, tạo nét đặc thù mà nơi khác không có được. Chính đặc thù của điều kiện tự nhiên này nên có sâm Ngọc Linh phân bổ dày đặc, nó không phải là cá thể mà là quần thể, quần thể này chính là do điều kiện tự nhiên của vùng này quyết định. Tiềm năng phát triển sâm Ngọc Linh ở vùng Ngọc Linh vẫn còn có thể phát triển thêm nữa”.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Hiện nay, việc tổ chức liên kết giữa người dân tộc thiểu số tại chỗ với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum rất chặt chẽ, đảm bảo tốt quyền lợi cho người lao động. Ngoài việc được hưởng lương hàng tháng từ 3,5- 4,5 triệu đồng, được hỗ trợ thức ăn, quần áo, nhu yếu phẩm, anh em công nhân còn được cấp 100 gốc sâm Ngọc Linh mỗi năm. Anh A Ngoan (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nói: “Hằng ngày thì công việc là chăm sóc sâm, nhổ cỏ sâm, dọn sạch sẽ để nó phát triển tốt. Bản thân tôi rất muốn gắn bó với Công ty Sâm Ngọc Linh để kiếm tiền nuôi con”.

Thấy được quyền lợi mang lại từ việc giữ rừng để phát triển sâm Ngọc Linh,  nhân dân sinh sống tại khu vực núi Ngọc Linh rất có ý thức bảo vệ rừng. Ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đối với cây sâm Ngọc Linh, nếu dân phát nương, làm rẫy thì nó không thể phát triển được. Yêu cầu của cây sâm phải là rừng già, rừng tự nhiên, rừng đệm ở ngoài phải dày thì mới có khí hậu lạnh, nó mới chịu với cây sâm Ngọc Linh, nếu nó nóng quá thì không thể phát triển cây sâm Ngọc Linh được”.

Ngoài ra, tình trạng sâm giả tràn lan trên thị trường là thách thức lớn đối với việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum. Để bảo tồn nguồn gen thuần chủng quý hiếm này, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đông đảo bà con  tại khu vực núi Ngọc Linh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiên quyết không để sâm giả lọt vào khu vực núi Ngọc Linh. Ông A Sỹ nói: “Sợ người ta mang không đúng là sâm Ngọc Linh vô để bán, người dân cũng kịp thời phản ánh cho Đảng ủy, chính quyền địa phương, người dân lên tiếng để được bảo vệ, không đưa sâm bậy vô địa bàn”.

Có thể nói, với sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, việc đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành thương hiệu nổi tiếng, vươn tầm thế giới là hoàn toàn có cơ sở, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *