(kontumtv.vn) – Bất chấp nguy hiểm tính mạng, hàng chục hộ dân trên địa bàn thị trấn Plei Kần (Ngọc Hồi, Kon Tum) vẫn hàng ngày vượt sông Pô Kô bằng cáp treo tự chế. Gần đây nhất, chính quyền địa phương đã vào cuộc can thiệp nhưng tình trạng này chưa chấm dứt.

Cáp treo tự chế của tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi bắc qua sông Pô Kô ở nơi có lòng sông rộng. Với sợi cáp mỏng manh, người và nông sản cứ thế băng qua sông, bất chấp hiểm nguy rình rập. Ông Huỳnh Văn Hùng, người dân tại đây nói: “Mình thường xuyên đi làm, qua cái này miết, ngày một mà. Đi lên đường kia nó xa quá thì đi đường này cho tiện, gần hơn. Cáp treo này an toàn hay không mình đâu có biết được. Cứ đi cái đã chứ không biết có an toàn không. Đông người đi lắm, dân Ngọc Hồi làm rẫy bên kia đông lắm”.

Người dân tự chế cáp treo vượt sông Pô Kô
Người dân tự chế cáp treo vượt sông Pô Kô

Cáp treo tự chế có cấu tạo đơn giản, với sợi cáp khoảng 16 mm và lồng sắt được hàn nối treo ngang dây cáp bằng hai ròng rọc. Chỉ cần tháo dây buộc, lồng sắt sẽ tự trôi từ đầu bên này sang bờ bên kia. Không biết trọng tải của cáp là bao nhiêu, nhưng cả người, nông sản và các vật dụng khác đều có thể chất lên cáp treo. Mặc dù tính mạng bị nguy hiểm khi vượt sông Pô Kô bằng cáp treo tự chế, nhưng vì đường đến khu sản xuất Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cách thị trấn Plei Kần từ 5 – 10 km, nên hầu hết người dân lựa chọn giải pháp đi cáp treo cho gần.

Từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã chọn di chuyển qua sông Pô Kô bằng cáp treo này. Theo phản ánh của người dân, từ đầu bờ bên này đến đầu bờ bên kia, khoảng cách là hơn 100 m. Mặc dù người dân cho rằng cáp treo đi không an toàn, nhưng các hộ dân vẫn chọn di chuyển bằng cáp treo này bởi vì đường đi qua khu sản xuất là xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô bên kia thì rất xa.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, người dân ở đây cho biết: “Cáp treo này có khoảng 4 – 5 năm rồi, đi qua cáp này nhiều lắm. Tôi đi mỗi lần mưa xuống qua đây là cứ bị dập, rớt, nhiều khi gần rớt luôn đó, đi nguy hiểm lắm. Cái thế sông này nó thế nên mình phải đi cáp treo này, chứ đi thuyền cũng nguy hiểm”.

Qua tìm hiểu, đã có ít nhất hai vụ tai nạn xảy ra khi người dân vượt sông Pô Kô bằng cáp treo tự chế. Tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm, liều mình vượt sông Pô Kô bằng cáp treo tự chế đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng gần đây chính quyền địa phương mới vào cuộc xử lý. Ngày 10/4 vừa qua, lãnh đạo UBND thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã có buổi làm việc với ông Đặng Trung Tá, chủ cáp treo tự chế, yêu cầu chấm dứt hoạt động cáp này. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, tình trạng người dân đi cáp treo vẫn tiếp tục diễn ra. Ông Nguyễn Xuân Phượng, Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết: “UBND thị trấn cũng đã phối hợp với các đoàn thể, ban, ngành, đặc biệt là hai hộ có cáp treo thì chúng tôi đã mời vận động, trước mắt là họ phải khóa cáp, không để nhân dân qua lại nguy hiểm. Vừa rồi sau khi có ý kiến phản ánh của nhân dân, họ vẫn đang thực hiện đi là họ đi lén thôi, lén lút của hai hộ đó. Giải pháp tới đây chúng tôi sẽ cho công an, lực lượng vào cấm, tuyệt đối không được đi”.

Chính quyền thị trấn Plei Kần đang bàn bạc với doanh nghiệp xây dựng thủy điện ở khu vực này làm một cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông. Trong khi chờ cầu tạm được xây dựng, việc cần làm ngay lúc này là cho dừng hoạt động của cáp treo tự chế, không để người dân tiếp tục vượt sông Pô Kô, bất chấp nguy hiểm.

Thu Trang – Đức Thắng  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *