(kontumtv.vn) – Sinh năm 1922, ông Vũ Hữu Như hiện là chiến sĩ Điện Biên cao tuổi nhất ở tỉnh Kon Tum. Được đào tạo cơ bản về lĩnh vực pháo binh, ông tham gia chiến dịch năm 1954 lịch sử trong cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Sư đoàn 351. Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn sống mãi trong ký ức người chiến binh năm xưa.                          

Ông Vũ Hữu Như quê NamTrực, Nam Định, năm 1944, đã tham gia Thanh niên cứu quốc. Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, cuối năm 1945, ông vào tự vệ bảo vệ Thành Hà Nội. Năm 1947, đi bộ đội, ông  được  biên chế vào Đại đội 77, Tiểu đoàn 34, Liên khu 3. Với vốn văn hóa nhất định đã có từ khi ở quê nhà, năm 1949, ông Như được tuyển chọn là một trong số ít chiến sĩ đầu tiên  của Việt Nam được gửi đi đào tạo quân sự, chuyên ngành kỹ, chiến thuật pháo binh ở Trung Quốc. Kết thúc khóa học gần 4 năm, ông tiếp tục được chọn tham gia lớp huấn luyện 6 tháng về pháo ở Liên Xô cũ. Với sự chuẩn bị chu đáo, cuối năm 1953, ông và các sĩ quan trẻ  trở về nước, vào ngay mùa chiến dịch. “Mở đầu chiến dịch là tôi bắn Him Lam đầu tiên. Bắn Him Lam, phát đầu tiên  là chệch 5 ly giác. Trên Bộ Chỉ huy gọi xuống điều chỉnh lại 5 ly giác, phát thứ 2  trúng mục tiêu. Toàn Trung đoàn  khoảng 26 khẩu pháo, chưa kể các binh chủng khác, tập trung vào, 15 phút là Him Lam đầu hàng vô điều kiện. Thế là bắt lúc nhúc lũ đầu hàng. Nhưn sau đó, nó củng cố lại, chiến dịch càng ngày càng căng thẳng. Nó cố giữ, mà mình phải quyết đánh. Chúng tôi khắc trên tay dòng chữ “Không chiến thắng không về với nông dân”. Chữ ấy là ông Nguyễn Chí Thanh  giao đấy”. Ông Vũ Hữu Như nhớ lại.

Phao binh

Cựu chiến binh Vũ Hữu Như kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Với chiến lược nghi binh tài tình, ở chiến trường Điện Biên Phủ, các trận địa pháo của ta đã được xây dựng, kiện toàn, tạo thành những mũi tấn công quan trọng mà địch không thể ngờ tới. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1954, chiến trường đã vào giai đoạn ác liệt, tinh thần quân dân sục sôi. Dãi nắng, dầm mưa, cơm vắt, nước lã…, nhưng canh cánh trong lòng cán bộ chiến sĩ pháo binh là làm sao có đủ  đạn pháo tiếp viện để chiến đấu thắng lợi. Ông Vũ Hữu Như kể: “Lúc bấy giờ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu là Chính ủy của chúng tôi. Đồng chí rất sát với lính, đi  khắp các nơi. Cơm gạo đã có hậu cần, nhưng riêng đạn thì thiếu. Ông ấy đến động viên. Sau đó, tình hình rất căng, mà pháo bấy giờ là chủ lực. Không có pháo không gây áp lực được nó. Nó thì có pháo, có nhiều loại vũ khí. Trong thời gian đó, Liên xô cũ tiếp cho mình 4 khẩu 6 nòng, tôi được chuyển sang phụ trách tiểu đoàn ấy..”

Trong vai trò Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, ông Vũ Hữu Như đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận phối hợp thắng lợi. Bản thân ông trực tiếp là xạ thủ pháo 105 ly tinh nhuệ, góp phần cùng Đại đoàn công pháo 351 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm của địch tại khu vực trung tâm Mường Thanh, mở đường và chi viện cho bộ đội tiến công các cứ điểm E1, D1, A1, C1, C2, đồng thời kiềm chế pháo binh của địch ở chiến trường. Sau chiến thắng, anh em phấn khởi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe vị chỉ  huy tối cao  trao đổi, chỉ thị. “ Đại tướng nói đánh chiến dịch này chúng ta thắng, thắng nhiều mặt. Các nước bạn bè ủng hộ, giúp đỡ chúng ta  nhiều, đặc biệt là Liên xô và Trung Quốc, nhưng chúng ta không được chủ quan. Như vậy chúng ta cũng chưa phải chiến thắng hoàn toàn. Đại tướng muốn nói  là mình cũng hy sinh nhiều. Nó thủ công, mình tấn công cho nên mình thiệt nhiều hơn. Thời kỳ đó lực lượng nó  mạnh hơn. Hôm đó, lính chiến thắng rồi thì phấn khởi lắm, vỗ tay nhiệt liệt, chấp hành nghiêm lệnh của Đại tướng”. Ông Như xúc động nhớ lại.

Với vốn kiến thức cơ bản được đào tạo và những kinh nghiệm thực tế quý báu từ chiến trường Điện Biên Phủ, sau thắng lợi vang dội của quân ta ở Điện Biên Phủ, ông Vũ Hữu Như chuyển sang huấn luyện sĩ quan pháo binh.

                                                                                         Nghĩa Hà – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *