(kontumtv.vn) – Đến nay, huyện Sa Thầy (Kon Tum) có 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Trong đó bà Y Run (làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi) là nữ nghệ nhân ưu tú duy nhất của huyện Sa Thầy. Bằng tình yêu, trách nhiệm với văn hóa truyền thống, gần 10 năm qua bà tích cực tham gia giữ gìn, truyền dạy văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Bà Y Run sinh năm 1956 tại làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Từ nhỏ bà đã thích múa hát nên đã tích cực tham gia đội văn nghệ của xã khi còn rất trẻ. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con địa phương, đội văn nghệ của xã lúc bấy giờ còn tham gia nhiều hoạt động biểu diễn tại huyện và tỉnh. Bà được biết đến là người múa chiêu giỏi nhất của xã và cũng là người tiên phong trong việc giữ gìn, truyền dạy lại điệu chiêu truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là  một nét văn hóa rất độc đáo làm nên bản sắc riêng biệt của người Xê Đăng nhánh Hà Lăng.

Xã Rờ Kơi có trên 90% đồng bào DTTS Xê Đăng nhánh Hà Lăng. Đến nay, số người biết được điệu chiêu truyền thống còn rất ít. Trước những tác động của văn hóa ngoại lai, giới trẻ dần không còn đam mê với văn hóa truyền thống. Vì vậy, cùng với những giải pháp của huyện, của xã, bà đã tích cực đứng ra truyền dạy văn hóa truyền thống cho con cháu và người dân trên địa bàn. Bà Y Run chia sẻ: “Là văn hóa truyền thống của dân tộc mình, công việc của nghệ nhân dạy cho trẻ nhỏ múa xoang, chiêu, dệt vải, xối chỉ… Sau này bà cố gắng hơn nữa để cho con cháu gìn giữ truyền thống dân tộc”.

Nghệ nhân Y Run truyền dạy các điệu múa dân gian cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Y Run truyền dạy các điệu múa dân gian cho thế hệ trẻ

Theo bà, kỹ thuật múa chiêu thực hiện rất khó, phải mất 5 – 6 buổi các nghệ nhân mới tập được cho người học cách di chuyển từng bước chân. Do đó người dạy phải thật sự kiên trì, động viên khích lệ thanh thiếu niên trong quá trình học. Mỗi động tác di chuyển đều chứa đựng ý nghĩa, vì vậy bà vừa dạy, vừa kể lại nguồn gốc của từng điệu múa. Không những vậy, muốn người khác nghe theo, trước hết bà truyền dạy cho con cháu trong gia đình. Hiện giờ các con gái của bà, rồi đến cháu gái đều biết múa chiêu, múa xoang.

Gần 10 năm qua, bà vẫn miệt mài cùng với các nghệ nhân trong xã tích cực truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ của địa phương. Đến nay đã có nhiều người trở thành những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, tiếp tục cùng bà thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc.

Em Y Giang Sun ở làng Kram, xã Rờ Kơi là một trong những học viên được bà và các nghệ nhân truyền dạy, đến nay thuần thục múa xoang, múa chiêu. Theo em, điệu múa chiêu rất khó, đặc biệt là việc kết hợp giữa chân, tay và cơ thể. Tuy nhiên khi cảm nhận được rồi thì rất hứng thú: “Bà đã dạy cho chúng em múa xoang múa chiêu và đan những cái váy. Chúng em đã nắm vững kiến thức di chuyển trong múa chiêu và múa xoang. Các bạn của em tập với bà rất nhiều. Mình phải có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ văn hóa dân tộc của mình bằng cách thường xuyên tập luyện”.

Ghi nhận những đóng góp đó, năm 2016 bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Ý thức được điều đó bà luôn nhiệt tình trong công tác truyền dạy cho thanh thiếu niên trong làng. Tranh thủ những ngày nghỉ, hay buổi tối bà tổ chức tập luyện cho con em trong làng. Giờ đây căn nhà của bà là nơi hội tụ những người yêu thích văn hóa truyền thống. Anh A Thôn, cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Rờ Kơi ghi nhận: “Bà Y Run là một trong những nghệ nhân tiêu biểu. Gia đình bà luôn luôn vận động hàng xóm người dân trong thôn, xã thực hiện chủ trưởng của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bà luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chức trách của một nghệ nhân, luôn vận động truyền dạy cho thế hệ trẻ những tiết mục, tiết tấu âm nhạc điệu múa xoang của người dân tộc thiểu số Hà lăng. Luôn đi đầu trong các lễ hội như cúng lúa mới, lễ đâm trâu cũng như một số lễ hội khác của thôn, của xã”.

Điều bà mong muốn nhất đó là cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục có những định hướng để các nghệ nhân ưu tú như bà được phát huy vai trò của mình trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ước mong của bà là tất cả thanh thiếu niên trong làng, trong xã đều tích cực học tập, yêu thích truyền thống văn hóa. Dù cuộc sống có đổi thay, có phát triển thế nào thì truyền thống văn hóa vẫn phải được lưu truyền.

CTV Quỳnh Trang – Trang Nhung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *