(kontumtv.vn) – Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn  kịp thời để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân và góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Năm 2016, được Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng và Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình anh A Sĩ (thôn Tê Pen, xã Văn Lem) đã đầu tư trồng hơn 6 sào cà phê và mua 2 con bò để chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định và phấn đấu để thoát nghèo trong năm 2019.  Anh A Sĩ chia sẻ: “Trước đây gia đình được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi trồng cây cà phê, giờ thu một năm được 30 triệu để lấy chi phí đó trả Nhà nước. Tôi mua thêm 2 con bò, giờ đẻ được 1 con là thành 3 con”.

Vay vốn Ngân hàng CSXH
Vay vốn Ngân hàng CSXH

Nhằm tạo điều cho hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi nhất, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức giao dịch định kỳ hàng tháng tại trụ sở UBND các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có hơn 5.780 hộ được tiếp cận nguồn vốn từ 15 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 250 tỷ đồng. Chị Y Ti (thôn Tê Rông, xã Văn Lem) nói: “Gia đình tôi vay được 30 triệu, mua 2 con bò về nuôi nó đẻ được 1 con. Bây giờ lớn rồi mình bán để trồng cà phê, còn bò nghé mình nuôi 3 con. Cũng nhờ Ngân hàng giúp gia đình được làm ăn được kha khá về kinh tế”.

“Đảng ủy cũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng gia đình, hướng dẫn họ tranh thủ nguồn vốn đó để phát triển chăn nuôi và trồng một số cây trồng phù hợp với địa phương, như cây cà phê, chăn nuôi trâu, bò, heo sọc dưa. Kết quả thực hiện thì đến thời điểm hiện nay nhiều hộ từ nguồn vốn đó đã thoát nghèo”. Ông Lê Thành Thọ, Chủ tịch UBND xã Văn Lem chco biết.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nguồn vốn chính sách xã hội đã phát huy vai trò cầu nối giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 12%. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô nói: “Việc sử dụng vốn thì trong thời gian vừa qua chúng tôi đã phối hợp các xã lồng ghép nguồn vốn vay đây với các mô hình, ví dụ như chăn nuôi bò theo nhóm hộ ở xã Văn Lem. Mô hình được UBND huyện đánh giá cao, mô hình nhân rộng trên toàn xã, cũng như các xã khác như Diên Bình, hoặc là chăm sóc cà phê, cơ bản là người dân đã sử dụng nguồn vốn đem lại hiệu quả”.

Năm 2019, Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô có kế hoạch giải ngân gần 17 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho  hộ nghèo, cận nghèo vay vốn  để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của huyện, như cây cà phê và chăn nuôi trâu, bò; từng bước giúp hộ nghèo có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *