(kontumtv.vn) – Cũng như các xã khác trên địa bàn huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), thời gian đây hoạt động bán hàng đa cấp đã xâm nhập đến tận các thôn, làng khó khăn xã Đăk Choong, nhiều hộ dân đã dùng toàn bộ số tiền tích góp được sau bao nhiêu năm lao động vất vả để mua các sản phẩm không giá trị, chỉ với ước vọng sẽ nhận được nhiều tiền trong tương lai.

Trong ngôi nhà của anh A Lan (khu tái định cư thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong) không có vật gì giá trị, nhưng nghe theo lời ngon ngọt của nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868, anh đã dành toàn bộ số tiền gom góp bao nhiêu năm của mình để đóng vào công ty, và sản phẩm của anh nhận được là 4 hộp cà phê, 1 hộp trà, cùng với lời hứa hẹn 5 tháng sau sẽ nhận được 99 triệu đồng.

Tin tưởng theo lời của người anh họ là A Khoán ở xã Đăk Kroong, A Lan  đã cùng anh họ xuống thành phố Kon Tum để được nhân viên của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868, có địa chỉ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội tư vấn, giới thiệu tham gia hợp tác với công ty để xây dựng hệ thống Cà phê Nấm Linh chi đỏ, nhà hàng và siêu thị. Tin lời của nhân viên công ty, A Lan đã dùng toàn bộ số tiền sau nhiều năm tích góp được và bán gần 1 tấn cà phê mới thu hoạch để đóng 36.600.000 đồng cho công ty.  A Lan kể: “Hôm đó em đi theo anh cùng đi đến Kon Tum, đó là ngày khai trương quán cà phê Nấm Linh chi đỏ, đường Trần Phú và Trường Chinh đó. Đến đó thì ông Nguyễn Hoàng Sơn tiếp, đưa em cái hộp này bảo tham gia. Đóng 36.600.000 được một cái mã dự thưởng gì đó mình không biết, sau đó nó cũng hướng dẫn cho mình làm một cái thẻ BIDV”.

36
36.600.000đ mua được 4 hộp cà phê và 1 hộp trà

Hơn nửa tháng sau khi ký kết hợp đồng, anh A Lan được nhân viên công ty giao cho sản phẩm là 4 hộp cà phê và 1 hộp trà, cùng với lời mời tham gia đi du lịch nhiều nơi và hứa sẽ trả tiền cho anh trong thời gian đến. A Lan nói: “Hôm 19/11 nó gọi đi du lịch Đà Nẵng hay Hà Nội không rõ mấy, bảo đi du lịch, tham quan. Mình trả lời cho nó, bảo con đau không đi được, nên mong công ty thông cảm cho. Nó trả lời thế cũng được, chuyến sau sẽ đi. Mình sẽ được nhận tiền, nhận tháng thứ nhất là 9 triệu, tháng thứ 2 là 12 triệu, tháng thứ 3 là 24 triệu, tháng thứ 4 là 27 triệu, tháng thứ 5 là 27 triệu, tổng số tiền là 99 triệu đồng. Nó nói cho mình ngày 6/12 này sẽ nhận tiền. Địa chỉ chỗ ngân hàng BIDV đó”.

Qua lời giới thiệu của anh A Lan, anh A Lới, A Kiên và A Liêu (thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong) đã gom góp hết số tiền trong gia đình mỗi người 12.200.000 đồng để cùng nhau xuống thành phố Kon Tum ký kết chung một hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868, tổng số tiền 36.600.000 đồng. Các anh cũng đã nhận 4 hộp cà phê, 1 hộp trà và hợp đồng sẽ nhận tiền trong 5 tháng tới. Anh A Lới cho biết: “ Ông đó nói mình đầu tư cái này góp vốn cái gì đó không nhớ, góp để sau này mình có hưởng, có lãi. Thứ hai nữa là đưa mình đi du lịch, tham quan. Lúc đó nó tuyên truyền cho mình cái này, cái kia mình cũng tin, mình cũng chưa hiểu được, cái gì mình cũng tin. Bây giờ thì sợ nó không chịu trả tiền cho mình, số tiền đó không phải ít, góp sức trong gia đình rất nhiều, trên một năm mới được như thế”.

Hiện nay trên địa bàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei có 39 người tham gia mua hàng đa cấp, trong đó 32 người tham gia mua hàng của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã nhiều năm nay. Đặc biệt, đầu tháng 11/2015 có 7 người ở thôn Kon Riêng tham gia góp vốn với Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868, với tổng số tiền gần 110 triệu đồng. Theo hợp đồng giữa công ty này với  người dân góp vốn thì nguồn vốn đóng góp của người dân vào công ty để hợp tác kinh doanh trên các lĩnh vực xây dựng chuỗi quán cà phê, xây dựng chuỗi siêu thị mini và online, xây dựng chuỗi nhà hàng, xây dựng cửa hàng vật tư nông nghiệp, xây dựng tour du lịch. Các hộ dân tham gia góp vốn sẽ nhận được các mức thu nhập lợi nhuận dự kiến từ chuỗi hệ thống trong 5 tháng với tổng số tiền 99 triệu đồng.

Điều đáng nói ở đây là lợi nhuận dự kiến được ghi trong hợp đồng. Nếu công ty có lợi nhuận thì người dân mới được hưởng, nếu không thì người dân không được hưởng. Đây chính là cách nói lập lờ để lừa gạt người dân. Ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Đăk Choong cho biết: “Gần đây chúng tôi có phát hiện  hoạt động mua bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 86, là hình thức cũng kêu gọi người dân mua hàng đa cấp, và hứa hẹn chi trả trong vòng 5 tháng. Sau khi phát hiện ra, nhận thấy đây có hành vi lừa đảo cho nên chúng tôi đã tổ chức họp cán bộ, công chức, phân công cán bộ, công chức xuống thôn (làng) quán triệt cho người dân hiểu rõ những thủ đoạn mà các công ty hoạt động bán hàng đa cấp đang lừa đảo người dân trên địa bàn, để nhân dân nâng cao cảnh giác không tham gia các hoạt động mua bán hàng đa cấp”.

Hiện tại, chính quyền địa phương chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động mua bán hàng đa cấp. Nếu như không có chế tài xử lý kịp thời, e rằng những người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng sa sẽ tiếp tục bị lừa bởi các công ty bán hàng đa cấp.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *