(kontumtv.vn) – Với mục tiêu quy hoạch, phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42 ngày 13/12/2012. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, việc triển khai nội dung nghị quyết còn nhiều hạn chế ở các địa phương.

Là trung tâm hành chính, văn hóa của tỉnh, thành phố Kon Tum thuận lợi hơn các địa phương khác trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2012 của HĐND tỉnh về quy hoạch, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, có nhiều chỉ tiêu thành phố Kon Tum chưa đạt so với Nghị quyết đề ra. Thành phố Kon Tum chưa xây dựng được các thiết chế như trung tâm văn hóa, sân vận động, thư viện. Nhiều xã, phường, nhiều thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa và chưa có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu cồng chiêng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn. Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng VH&TT thành phố Kon Tum nói: “Định hướng sau này thì thành phố có chủ trương hoán đổi đất để tạo điều kiện cho các tổ dân phố có đất để xây dựng hội trường. Còn đối với thành phố thì hiện này chưa có các thiết chế, nhưng về quy hoạch quỹ đất dành cho thể thao và ngành văn hóa, thể thao đã có. Trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, thành phố sẽ tập trung xây dựng khu thể thao, nhà văn hóa, thư viện để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho người dân”.

Theo Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh Kon Tum, đến năm 2015 toàn tỉnh có 40% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa và 90% huyện, thành phố có thư viện; 40% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 40% số thôn, làng có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; 60% số thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện, phần lớn các chỉ tiêu này không đạt so với mục tiêu đề ra. Qua giám sát cũng cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa được ngành chủ quản và các cấp quan tâm đúng mức. Toàn tỉnh chỉ có huyện Kon Plông ban hành kế hoạch triển khai quy hoạch. Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không ban hành văn bản hướng dẫn các cấp triển khai thực hiện quy hoạch. Một số huyện, đặc biệt là cấp xã chưa tiếp cận được nội dung quy hoạch.

Trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chính đáng về hưởng thụ văn hóa tinh thần và rèn luyện thể dục, thể thao của quần chúng nhân dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42 để làm cơ sở cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư về mặt quy hoạch, đầu tư kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch của các địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quan tâm cho lĩnh vực này hết sức hạn chế. Đơn cử như tại huyện Đăk Tô, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh, trong 9 xã, thị trấn chỉ có 3 xã xây dựng được nhà văn hóa và có 1 xã có thư viện. Tuy nhiên việc quản lý khai thác một số công trình văn hóa cấp xã tại Đăk Tô đạt hiệu quả thấp. Công trình Nhà văn hóa xã Đăk Trăm giờ đây trở thành khu nhà hoang và mặt trước của công trình văn hóa này được cho thuê để xây dựng quầy hàng mua bán. Không riêng gì huyện Đăk Tô, việc quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các địa phương khác trong tỉnh cũng ít được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Ánh, đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum nói: “Từ khi ban hành Nghị quyết đến nay chỉ có cấp tỉnh đầu tư một vài cơ sở vật chất phục vụ cho văn hóa và thể thao. Còn lại các huyện hầu như chưa đầu tư một hạng mục gì, kể cả nhà văn hóa, thư viện và các tiêu chí khác hầu như không có gì thay đổi. Chúng tôi thấy thiết chế văn hóa chưa được quan tâm”.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của HĐND tỉnh cũng cho thấy, do quy hoạch thiếu đồng bộ trong quá trình đầu tư phát triển nên dẫn đến quỹ đất dành cho sự nghiệp văn hóa, thể thao từ huyện cho đến thôn, tổ dân phố bị hạn chế. Có địa phương không bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư. Ông Lê Huyên, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trong quá trình phát triển của huyện, đô thị ngày càng mở rộng thì quỹ đất dành cho thiết chế văn hóa cũng như xây dựng các sân vận động tại huyện, tại các thôn, xã bị thu hẹp dần. Đây là thực tế chúng ta phải thừa nhận. Mong rằng trong thời gian tới các cấp quan tâm nhiều hơn để xây dựng các thiết chế văn hóa. Cụ thể là các sân vận động tại huyện cũng như các xã và khu thể thao tại các thôn để có điểm để bà con sinh hoạt”.

Mặt khác, do khó khăn về kinh phí ở cấp cơ sở nên việc duy trì, bảo quản các thiết chế văn hóa cũng gặp khó khăn. Vì vậy, nhiều công trình văn hóa xuống cấp, hư hỏng là khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi nói: “Năm 2007 được dự án hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa và nhà cộng đồng ở các thôn làng. Từ đó đến nay các nhà văn hóa xuống cấp trầm trọng. Ngân sách xã thu tại địa bàn không có, việc đầu tư sửa chữa rất khó khăn. Trong những năm qua huyện đầu tư cũng hạn chế. Hiện tại đến thời điểm này các nhà văn hóa đa số xuống cấp”.

Về thể thao thành tích cao, theo tinh thần Nghị quyết 42 thì đến năm 2015 tỉnh Kon Tum có 15 vận động viên đạt huy chương tại các giải vô địch toàn quốc, 25 vận động viên đạt huy chương tại các kỳ đại hội thể dục thể thao toàn quốc, hàng năm duy trì đào tạo 15 huấn luyện viên và 150 – 200 vận động viên năng khiếu. Tuy nhiên, đến tháng 9/2015 toàn tỉnh chỉ có 20 vận động viên năng khiếu, đạt tỉ lệ 13% và chưa xây dựng được đội ngũ huấn luyện viên để phục vụ cho công tác đào tạo vận động viên trong tỉnh. Đáng buồn là số vận động viên năng khiếu thể thao của tỉnh ngày một giảm.

Một trong những nội dung đáng quan tâm là phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở không được đào tạo đúng chuyên ngành và thiếu tính ổn định. Nhiều địa phương thường lấy những cán bộ làm văn hóa tốt để tạo nguồn phát triển trong khi đó không xây dựng đội ngũ kế cận, dẫn đến bố trí cán bộ làm công tác văn hóa không phù hợp.

Từ kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2012 của HĐND tỉnh về việc quy hoạch, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025  cho thấy: Với tiến độ quan tâm, đầu tư về văn hóa, thể thao và du lịch tại các địa phương trong tỉnh như hiện nay thì khó có thể đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh đã đề ra.

                                                                             Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *