(kontumtv.vn) – Những hạn chế của vốn vay ưu đãi tái canh cây cà phê đã làm cho người dân không muốn tiếp cận nguồn vốn  hỗ trợ này. Điều đó ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu  tái canh cây cà phê ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum ra sao? Phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, địa phương có diện tích cà phê tái canh nhiều nhất trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.

PV: Thưa ông, theo kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà có 645 ha cà phê cần tái canh. Vậy đến thời điểm hiện nay huyện có bao nhiêu diện tích đã tái canh?

Ông Hoàng Nghĩa Trí: Tái canh cây cà phê theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh thì trong kế hoạch là 645 ha giai đoạn 2016 -2020. Tuy nhiên, trong 2 năm 2016 và 2017, trên địa bàn huyện đã tái canh được 195 ha, trong đó các doanh nghiệp trên địa bàn đã tái canh được 119 ha, còn lại 76 ha là người dân.

Ông Hoàng Nghĩa Trí trả lời phỏng vấn của PV
Ông Hoàng Nghĩa Trí trả lời phỏng vấn của PV

PV: Theo kế hoạch thì năm 2016-2017 huyện Đăk Hà thực hiện tái canh khoảng 345 ha cà phê. Tuy nhiên hiện nay mới thực hiện được khoảng 195 ha, như vậy là chưa đạt với kế hoạch đề ra. Được biết, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thực hiện tái canh cà phê chưa đạt so với kế hoạch là vì nguồn vốn vay tái canh còn hạn chế. Vậy ông cho biết cụ thể hơn, trong quá trình thực hiện tái canh cây cà phê thì người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ tái canh như thế nào?

Ông Hoàng Nghĩa Trí: Nguồn vay tái canh này có những bất cập cần phải tháo gỡ. Cụ thể là cà phê theo chu kỳ kinh doanh chỉ cho vay 150 triệu để tái canh 1 ha cà phê, nhưng cho vay theo công đoạn. Công đoạn là khi trồng được cho vay bao nhiêu, chăm sóc vay bao nhiêu trong 3 năm cho nên người dân không mặn mà lắm. Thứ hai là trong việc tái canh không phải thế chấp nhưng theo yêu cầu phải có bìa đỏ quyền sử dụng đất nương rẫy đó để đưa vào ngân hàng, thì theo quan điểm của người dân cũng chẳng khác gì thế chấp cả. Hai nữa người dân muốn vay một cục, vay về ngoài vấn đề tái canh người ta tiếp tục lấy ngắn nuôi dài, nuôi trồng khác để chăm sóc cà phê, cho nên hiện nay người dân chưa có một hộ nào đụng tới dự án này.

PV: Với những hạn chế của chính sách hỗ trợ vốn tái canh cây cà phê thì địa phương đã có kiến nghị với các ngành chức năng hay chưa? Và vấn đề này được xem xét giải quyết như thế nào?

Ông Hoàng Nghĩa Trí: Cái này thì họp dưới tỉnh và riêng các đoàn về giám sát thì chúng tôi đã kiến nghị về vấn đề này, các đoàn cũng ghi nhận và tiếp thu xin ý kiến. Cái này là chủ trương của Chính phủ chứ tỉnh cũng không tháo gỡ được, tỉnh cũng có ý kiến về vấn đề này chứ tỉnh cũng chưa tháo gỡ về vấn đề này.

PV: Thưa ông, như vậy hiện tại với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện tái canh thì nó có ảnh hưởng đến lộ trình tái canh cây cà phê ở địa phương hay không?

Ông Hoàng Nghĩa Trí: Tất nhiên là nó có ảnh hưởng. Cụ thể là dự án này lãi suất thấp hơn nhưng sự bắt buộc không phải thế chấp mà phải gửi vào ngân hàng bìa đỏ, thứ hai là vay một nguồn vốn ít quá, người ta mất công, thứ ba nữa là từng công đoạn như thế thì người ta không có nguồn vốn khác để đầu tư trong 3 năm tái canh. Vấn đề nguồn vốn là một tác động lớn đối với tái canh.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về thông tin vừa trao đổi!

Thanh Tùng – Công Luận

                                                                          

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *