(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp được tỉnh Kon Tum quan tâm đẩy mạnh. Qua đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2016, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện Phương án cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đến nay, phương pháp thụ tinh nhân tạo đã được ngành Thú y tỉnh triển khai ở các huyện, thành phố. Tỷ lệ đậu thai từ phương pháp này đạt hơn 85%. Với đặc tính của giống bò Brahman, nhìn chung bê con sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo phát triển khỏe mạnh hơn giống bò địa phương. Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiệu quả mang lại thực sự rất đáng khích lệ, đã góp phần nâng tầm vóc của đàn bò địa phương lên. Phương pháp thụ tinh nhân tạo con bê lai sinh ra có trọng lượng 25 đến 30 kg, trong lúc đó bò cỏ sinh ra từ 15 đến 20kg, hơn nữa đàn bò lai tầm vóc lớn, phát triển tốt, phù hợp điều kiện tại địa phương”.

Thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng và trồng thử nghiệm các loại giống mới có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh thực hiện việc nuôi cấy mô thực vật nhằm cung cấp cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh các loại cây giống có chất lượng tốt, phù hợp với quy trình sản xuất công nghệ cao. Ông Phạm Thanh, Giám đốc Trung cho biết: “Để phục vụ cho chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, chúng tôi tập trung đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung vào các các mô hình có năng suất, chất lượng cao và một số giống mới để qua đó cung cấp cho bà các các mô hình công nghệ, các kỹ thuật để ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn huyện Kon Plông”.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa là mục tiêu lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, năm 2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 02  về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến,  nhằm huy động các nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, vào cuộc các cấp, ngành để đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh ngày càng hiện đại. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum nói: “Tỉnh tạo cơ chế, chính sách về đất đai, tích tụ đất đai, dồn đổi đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có diện tích đủ lớn để xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, các ưu đãi của tỉnh khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào Kon Tum trong việc sản xuất nông nghiệp công  nghệ cao.

Ngoài ra, để thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Kon Tum còn đặc biệt chú trọng mời gọi các nhà khoa học, hợp tác với các viện nghiên cứu, các bộ, ngành có liên quan để đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Qua đó từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.

Thanh Tùng – Thanh Hà

 

                           

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *