(kontumtv.vn) – Vượt ngàn khó khăn, gian khổ, rất nhiều thầy giáo, cô giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn đang kiên trì gắn bó với trường lớp, thôn làng ở vùng sâu, vùng xa để mang con chữ đến với học sinh. Những đóng góp thầm lặng của họ rất đáng để mọi người tôn vinh.

Công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Nên, huyện Kon Plông đã hơn 10 năm nay, thầy giáo Trần Văn Chí luôn được tập thể giáo viên tín nhiệm, học sinh kính trọng và nhân dân yêu mến. Trên bước đường dạy học, không thể nào đếm nỗi số lần mà thầy đã phải đi bộ qua những cánh rừng, con sông, con suối để đến với học sinh thân yêu. Trong điều kiện khó khăn, thầy Chí luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, qua đó trang bị tốt nhất cho các em học sinh hành trang tri thức và nhân cách để bước vào đời. Thầy giáo Lê Đặng Trường Anh, Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học xã Đăk Nên ghi nhận: “ Thầy là giáo viên gương mẫu của nhà trường, thầy được phân công nhiệm vụ giảng dạy, ngoài ra thầy còn kiêm nhiệm công tác công đoàn và được bổ nhiệm là tổ trưởng. Thầy nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Thầy luôn giúp đỡ đồng nghiệp, đặc biệt thầy Chí có kinh nghiệm để tổ chức các buổi hội thảo, thao giảng, thầy là giáo viên cốt cán của nhà trường và của ngành, được ngành cử đi tập huấn các lớp ở Sở, Bộ về để truyền đạt lại cho tất cả cán bộ, giáo viên trong toàn ngành”.

“Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các em ở đây còn rất khó khăn, học cái chữ còn rất khó, nhất là đối với việc học tiếng Việt. Mang lại tri thức cho các em là động lực giúp tôi ở lại vùng sâu, vùng xa, gắn bó với ngôi trường này”. Thầy Trần Văn Chí tâm sự.

Cũng như thầy giáo Trần Văn Chí, cô giáo Trương Thị Bình, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THCS Đăk Pét luôn là giáo viên tiêu biểu của huyện Đăk Glei nhiều năm liền. Sau 14 năm công tác, cô Bình đã dành mọi tình cảm, sự tâm huyết, nhiệt tình của mình để dạy dỗ các em học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn này. Giúp các em có kiến thức để sau này vươn lên thoát nghèo luôn là mong muốn trong sâu thẳm trái tim cô. Trong mỗi tiết học, không khí trong lớp của cô Bình luôn đầy ắp niềm vui, các em học sinh chăm ngoan, hăng hái phát biểu và làm bài nghiêm túc. Cô Bình nói: “Là một giáo viên dạy toán, tôi luôn trăn trở là làm thế nào để học sinh học toán ngày một tốt hơn, vì học sinh theo tâm lý chung là sợ môn toán. Vì vậy, trước mỗi bài dạy tôi nghiên cứu bài rất kỹ, để chọn phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chẳng hạn đối với học sinh yếu thì tôi sẽ lựa chọn những bài dễ, phù hợp. Nếu  lớp có nhiều đối tượng khác nhau thì tôi sẽ chọn dạng bài tập nhiều loại khác nhau, phân loại từ dễ đến khó và nâng cao dần”.

Là giáo viên giỏi cấp huyện nhiều năm liền, cô giáo Trương Thị Bình còn được nhà trường tín nhiệm phân công bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ học sinh giỏi toán. Không phụ lòng cô giáo, một số em học sinh của trường đã đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và tham gia kỳ thi cấp quốc gia.

Mỗi thầy giáo, cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa có những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, ở họ có điểm chung lớn nhất đó chính là sự yêu nghề, sẵn sàng dành hết tình yêu thương cho con trẻ. Được thấy các em học sinh đến trường, đến lớp học tập đầy đủ và chăm ngoan là niềm hạnh phúc to lớn đối với mỗi thầy cô.

Nghề giáo là nghề cao quý. Và những nhà giáo công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn là những người vô cùng cao quý. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là dịp để mỗi chúng ta tôn vinh và gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên đã và đang công tác tại vùng sâu, vùng xa.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *